Hãy đọc những kinh nghiệm học của các sinh viên Á Châu

kinh-nghiem-hoc

Năm ngoái trong ngày đầu khóa học, một sinh viên Á Châu phát biểu: “Thầy nói cứ như là bố em nói, học thế này, học thế khác. Cuộc sống KHÔNG phải chỉ có học. Em KHÔNG cần những lời khuyên như của bố em.” Tôi biết sinh viên này tượng trưng cho thế hệ sinh viên mới đến từ Trung Quốc. Phần lớn xuất thân trong những gia đình khá giả, được nuông chiều, nên nhiều em có thái độ ngang ngược, không như những sinh viên thuộc thế hệ trước. Tôi trả lời: “Vậy em giải thích cho tôi em muốn gì? Em định dành bốn năm ở đây để làm gì? Nếu KHÔNG học, em làm gì ở đây?

Biết sinh viên này không muốn nghe lời khuyên của tôi dù có khuyên bảo thế nào nên sau đó tôi yêu cầu một số sinh viên Á Châu đang học những lớp cao hơn đến chia sẻ kinh nghiệm học với những sinh viên mới nhập học. Tôi nghĩ lời khuyên của sinh viên với nhau sẽ hiệu lực hơn lời khuyên của một giáo sư. Sau đây là buổi “nói chuyện” của họ với những sinh viên vừa nhập học:

Sinh viên năm thứ hai: “Có khác biệt lớn giữa trường trung học và đại học. Tôi chỉ cần một giờ để làm bài kiểm tra ở trung học nhưng phải mất nhiều giờ hay nhiều ngày để làm bài kiểm tra ở đại học. Ở Trung học, tôi chỉ cần học từ sách giáo khoa và dễ dàng qua các kì kiểm tra. Nhưng ở đại học, tôi phải đọc sách giáo khoa VÀ ghi chép bài giảng của giáo sư trong lớp, quãng sáu mươi trang một tuần. Tôi thấy các giáo sư đại học không dạy theo sách giáo khoa mà tập trung nhiều vào bài giảng riêng của họ. Sách giáo khoa chỉ dùng để tham khảo. Bạn KHÔNG thể đọc sách giáo khoa và qua được kiểm tra nhưng phải dự lớp và ghi chép nhiều để học trong đại học.”

Sinh viên năm thứ ba: “Đại học là môi trường cạnh tranh, không như ở Trung học. Năm đầu đại học rất quan trọng, nếu không chuẩn bị và tập trung vào việc học rất dễ bị bỏ lại phía sau. Nếu không có căn bản vững ở năm thứ nhất, rất khó có thể bắt kịp lớp ở những năm sau. Một khi bị đuối sức, không theo kịp rất để thối chí và có thể bỏ học.”

Một sinh viên năm thứ ba khác: “Trong năm đầu, tôi đọc sách giáo khoa SAU bài giảng. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng thay đổi để đọc TRƯỚC bài giảng nên biết điều giáo sư sẽ dạy trong lớp. Nếu không hiểu, tôi có thể hỏi giáo sư để làm sáng tỏ sự hiểu biết của tôi. Trong trường hợp đó tôi thực sự học tích cực chứ không còn nghe thụ động.”

Từ một sinh viên năm thứ hai: “Trong năm đầu, tôi cố gắng ghi chép mọi thứ giáo sư nói, ngay cả những điều KHÔNG cần thiết. Về sau, tôi thấy phần lớn bài giảng đều sẵn có trong website. Tôi in ra những bài này trước khi lên lớp, đọc chúng rồi ghi chú với bình luận của giáo sư trong bài giảng thì tôi sẽ có một ghi chép rất tốt. Sau lớp tôi ôn lại để nhận ra các điểm quan trọng mà tôi đã bỏ lỡ trong lần đọc đầu. Trong trường hợp đó tôi thực sự học tài liệu ba lần. Bằng ôn tập những ghi chép này, tôi “nhập tâm” chúng. Phong cách học này, giúp tôi học nhanh hơn và hiệu quả hơn.”

Sinh viên năm thứ ba: “Nhiều người đem laptop vào lớp để ghi chép. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cũng xem email, đọc “Facebook” và “Twitter” trong lớp nữa. Vấn đề là khi có laptop trong lớp, bạn sẽ làm khác thay vì nghe giảng. Lời khuyên của tôi là bạn mang laptop đi ghi chép nhưng ĐỪNG KẾT NỐI với internet thì sẽ KHÔNG bị quyến rũ vào gì khác.”

Từ một sinh viên năm thứ hai: “Nhiều người KHÔNG thích hỏi, chúng tôi sợ đặt “câu hỏi sai” hay gây ấn tượng là chúng tôi không thông minh. Đó là sai lầm lớn. Tôi thấy rằng phần lớn các giáo sư đều thích trả lời câu hỏi trong bài giảng bởi vì họ muốn sinh viên hiểu bài thật rõ. Thỉnh thoảng, họ thậm chí còn nói cho sinh viên những điều quan trọng chắc chắn sẽ có trong bài kiểm tra. ĐỪNG ngần ngại đặt câu hỏi.”

Từ một sinh viên năm thứ hai: “Trong năm thứ nhất, tôi thích mượn bài ghi chú trong lớp của bạn bè, khi “bỏ lớp đi chơi”. Một số bạn phân công nhau ghi chép và dùng chung bài ghi chú nên nhiều người có thể bỏ lớp được. Đến cuối, tôi gần như không hoc được gì. Tôi biết rằng chẳng gì tốt hơn nghe giáo sư giải thích trong lớp và có ghi chép riêng thì tôi sẽ học nhiều hơn vì nó giúp cho tôi giữ lại tri thức tốt hơn.”

Từ một sinh viên năm thứ ba: “Chúng tôi học ở thư viện nhưng có những chỗ bạn sẽ gặp nhiều người mà bạn biết. Nếu chúng tôi bắt đầu nói chuyện thì làm phí nhiều thời gian học tập. Giải pháp của tôi là đi xa và tìm một chỗ yên tĩnh ở tầng trên của thư viện nơi ít người tụ tập để có thể học được.”

Từ sinh viên năm thứ hai: “Học nhóm KHÔNG có tác dụng cho mọi người bởi vì bạn KHÔNG thể làm việc theo nhịp riêng của mình. Nếu nhóm được chọn lựa là những người bạn tốt của bạn, bạn có thể tán chuyện và không học chút nào. Bạn phải chọn lựa một cách cẩn thận và lập ra qui tắc và lịch biểu để chắc rằng học được từ nhau. Khi chuẩn bị cho bài kiểm tra, đặc biệt kiểm tra toán hay máy tính bạn phải thực hành bằng việc tự mình làm các bài tập chứ KHÔNG phân công trong nhóm. Càng làm nhiều bài tập càng tốt vì thực hành sẽ giúp cho bạn làm chủ kĩ năng của mình.”

(Nguồn: John Vu)