Không Gia Đình – Cuốn hồi ức xúc động về hành trình tuổi thơ không nhà

Bìa sách
Bìa sách "không gia đình" của Hecto Malot

Nếu bạn hỏi tôi cuốn sách nào là cuốn sách gây thương nhớ cho tôi nhiều nhất thì tôi sẽ trả lời rằng đó là cuốn Không Gia Đình của nhà văn Hector Malot. Đây là cuốn sách mà dù có đọc bao nhiêu lần thì tôi chắc chắn nó cũng vẫn sẽ khiến tôi rung động như lần đầu tiên.

Không Gia Đình kể câu chuyện về tuổi thơ đắng cay, cơ cực của cậu bé “không gia đình” Remi. Vừa sinh ra đã bị chính người cậu ruột thuê người bắt cóc và mang sang tận nước Pháp xa xôi, chia cắt em với gia đình vì ông ta muốn chiếm trọn gia sản của gia đình em.

May mắn thay, Remi đã được má Barberin – một người đàn bà quê mùa nhưng hiền lành, phúc hậu nhận nuôi. Trong vòng tay yêu thương của má Barberin, Remi lớn lên là một cậu bé ngoan ngoãn và đáng yêu.

Thế nhưng, tuổi thơ ấm êm, ngọt ngào ấy cũng chỉ ngắn ngủi có tám năm. Khi người bố nuôi của em đi xa trở về ông không muốn tiếp tục nuôi nấng em nữa nên đã bán em cho cụ Vatalis – một nghệ sĩ xiếc lang thang khắp chốn. Chính ông cụ từng trải và đạo đức ấy đã dạy dỗ em nên người. Cụ dạy em đọc chữ, diễn xiếc, chơi nhạc và trên hết đã hình thành nên nhân cách cao đẹp nơi Remi.

Remi đã lớn lên trong gian khổ và lao động để sống. Lúc đầu em được sự dạy bảo của cụ Vitalis, về sau thì tự lập. Không những lo cho mình, em còn lo việc biểu diễn và kiếm sống cho cả một gánh hát rong, em đã chung đụng với mọi hạng người.

Remi năm lần bảy lượt tưởng rằng mình đã tìm được bến đỗ bình yên nhưng cuối cùng lại bị đẩy ra đường. Em từng suýt chết trong bão tuyết, hầm mỏ, chịu đói khát, vào tù… Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của cụ Vitalis giữ phẩm chất làm người. Cuối cùng qua bao gian khổ, Remi đã gặp được gia đình thực sự, trả ơn cho những người trong lúc cơ hàn đã luôn giúp đỡ em, yêu thương em.

Tựa sách Không Gia Đình không chỉ mang sắc thái buồn tủi, cô đơn mà còn mang một ý nghĩa rộng lớn hơn: không phải một gia đình mà Remi có rất nhiều gia đình: bà má nghèo Barberin, cụ Vitalis, bác làm vườn Acquin, Mattia… Tất cả họ đã trở thành những người thân không huyết thống trên quãng đường đời bơ vơ, cù bơ cù bất của Remi.

Nhân vật mà tôi yêu thích và cũng là nhân vật mà tôi ấn tượng nhất trong tác phẩm này là thằng bé Mattia. Đó là một đứa trẻ khôn ngoan, lanh lợi, tháo vát, tận tình với bạn bè, một tài năng nghệ thuật nở sớm cộng với một tấm lòng vàng, tình anh em chí cốt đối với Remi.

Mattia là người duy nhất tin rằng Remi vẫn còn sống khi em bị kẹt trong hầm mỏ dài ngày; nó sẵn sàng từ chối lời đề nghị hấp dẫn về một cuộc sống đàng hoàng, yên ổn của người thợ cạo thành Mende để được sát cánh cùng Remi trên đường thiên lý; chỉ cần bạn nó được bình an thì một việc kinh khủng như say sóng khi đi tàu vượt biển cũng trở nên thú vị. Mattia là một thằng bé quý hoá. Remi thực sự may mắn khi có được một người bạn đồng hành như Mattia sau khi cụ Vitalis qua đời. Bởi vì có ai đó đã nói với tôi rằng: có được một người bạn tốt là có hơn tất cả những gì bạn có.

Không Gia Đình là cuốn sách chứa đựng giá trị của tình thân mà không bao giờ lỗi thời. Một câu chuyện cảm động với hình ảnh những con người tuyệt đẹp: thủy chung, quả cảm, yêu lao động, yêu nghệ thuật, biết tôn trọng phẩm giá và danh dự, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Vượt qua biên giới nước Pháp, Không Gia Đình đã đến với lứa tuổi thiếu nhi khắp năm châu. Cùng với thời gian, Không Gia Đình vẫn luôn hấp dẫn mọi thế hệ tuổi thơ cũng như người lớn với tính nhân văn cao cả, vẻ đẹp lãng mạn và bút pháp tinh tế điêu luyện của Hector Malot. Cũng chính vì lẽ đó mà Không Gia Đình đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp cho cuốn tiểu thuyết hay nhất về giáo dục. Vào năm 2018, cuốn sách cũng đã được đạo diễn Antoine Blossier chuyển thể thành phim điện ảnh.

Trích đoạn hay trong sách:

“Gia đình không phải là việc cháu mang dòng máu của ai. Mà là việc cháu yêu thương, chia sẻ, cảm thông và quan tâm đến ai”.