HÃY NÓI YÊU THÔI ĐỪNG NÓI YÊU MÃI MÃI

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi - vikwi cho thuê sách
Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi - vikwi cho thuê sách

Tràn ngập trên các báo là tin cặp đôi vàng của làng giải trí Angelina Jolie – Brad Pitt ly hôn.
Ngay lập tức, tôi đoán ra ngay, xuất hiện những dòng comment đầy thương cảm: “Chỉ tội nghiệp mấy đứa trẻ!”
Ôi! “chỉ” – có nghĩa là riêng mỗi mình trẻ con đau buồn thiệt thòi trong vụ này thôi đấy, còn bố mẹ nó thì đáng đời.
Tôi chẳng dám rằng chắc 6 bé con của Angelina Jolie có đang tội nghiệp hơn con bạn, một em bé XHCN VN không đấy!

Lâu nay, cứ nói tới chuyện nhà ai đó ly hôn, sẽ ngay lập tức nghe chép miệng: “Rồi lại chỉ khổ con cái thôi!”. “Sao bố mẹ không nghĩ cho con?” “Phải nén cái tôi ích kỷ để con có cha có mẹ chứ!”…

Thậm chí nhiều người có tình thương bao la tới mức nói trực tiếp vào mặt tụi trẻ con: “Tội nghiệp cháu quá! Bố mẹ cháu thật là ích kỷ!”.

Thưa các bậc đại từ bi, khéo dư nước mắt khóc người, cái chép miệng “Chỉ tội nghiệp lũ trẻ” như thể bạn đang ở vị trí bề trên. Thương xót kiểu đó, cũng là 1 dạng kỳ thị!

Tôi từng sống trong gia đình bố mẹ bất hòa, bạn bè tôi cũng có hàng chục đứa bố mẹ mâu thuẫn trầm trọng mà quyết không ly hôn. Tôi thừa biết, ly hôn hay không ly hôn, chưa hẳn bi kịch nào to hơn bi kịch nào!

Bạn tôi, từ nhỏ đã thường chứng kiến bố mẹ mình cãi nhau đánh nhau, hàng xóm láng giềng tới xem vòng trong vòng ngoài. Ông giữ tiền lương của ông, bà giữ tiền của bà, có 2 đứa con, mỗi người xí một đứa. Ở cùng nhà nhưng suốt mấy chục năm toàn ăn riêng, ngủ riêng.

Hai đứa con được biến thành 2 họng súng để ông bà chĩa vào nhau. “Nhìn cái mặt mày giống hệt con mẹ mày. Tao sợ mày lớn lên cũng theo cái nòi giống ấy…”. Ông nói xấu bà, bà gièm pha, lôi đủ chuyện thâm cung bí sử của ông ra. Ông bày cho con viết đơn tố cáo lên tận chi bộ Đảng Ủy rằng bà ngoại tình. Bà bày cho con tới phòng giám đốc công ty của ông để khóc lóc mách chuyện cha đánh mẹ đánh con.

Lớn lên trong bãi chiến trường đó, suốt thời tuổi thơ chẳng ngày nào yên ổn.
Có bạn, bữa cơm nào cũng nghe cãi nhau. Mới bưng chén cơm lên thì bố bê nguyên cái mâm liệng ra sân. Đêm thì nơm nớp lo cho mẹ. Đi dấu hết dao và kéo trong nhà đi! Có lần đứa con đã kể với tôi: “Con sợ rằng, đến lúc không kiềm chế được, con sẽ giết bố mất!”

Có nhà chọn sống ly thân ngay trong nhà, 3 người chia làm 2 mâm cơm. Con cái thừa biết bố nhắn tin chửi bới mẹ, biết mẹ hãi hùng mỗi lần bước vào phòng ngủ, biết mẹ khóc lặng lẽ trong bóng tối.

Có nhà nhìn ngoài thì rất lịch thiệp, nhưng chiến tranh lạnh, không nói chuyện, không quan tâm, dày vò nhau trong câm lặng, cũng vô cùng ngột ngạt. Đứa con thành chân giao liên giữa 2 chiến tuyến, mẹ bảo : “Mày đi nói với bố là….”. Bố bảo: “Mày qua nói với mẹ là….”. Hoặc bí quá thì ghi lên bảng, chẳng bao giờ không nghe tiếng cười tiếng nói trong nhà.

Có nhà hầu như ngày nào đêm nào cũng cãi nhau. Đêm này tiếp nối đêm kia, nước mắt, ly chén vỡ… tới 2, 3h sáng. Bốn năm liên tiếp như thế, rồi người vợ tự vẫn.

Ước chi… họ đừng ngại, đừng sợ ly dị, có thể đã cứu được con mình, được vợ mình, được chính mình…

20 năm qua tôi đi dạy học, rồi làm ở báo HHT (Hoa Học Trò), tôi được nghe rất nhiều những câu chuyện gia đình từ góc nhìn của đứa con. Nhiều đứa con đã nói: “Con ước ba mẹ con ly dị sớm hơn!”

Có những cuộc hôn nhân mà tất cả mọi người trong cuộc đều không hài lòng, đều bất mãn. Vậy tại sao bắt mọi người mòn mỏi chịu đựng và hủy hoại bản thân, mà kỳ thị lối thoát hiểm ly hôn?

Nhiều người nói: “Thời nay ly hôn nhiều, do “xã hội xuống cấp”, do “đạo đức tha hóa”, chứ ngày xưa ông bà sống với nhau có tình yêu đâu mà cũng ở bên nhau suốt đời, con cái đầy nhà!”.

Tỷ lệ ly hôn thời xa xưa của Việt Nam rất thấp, không có nghĩa thời đó hạnh phúc hơn! Năm thê bảy thiếp, từ “kẻ đắp chăn bông” lẫn “kẻ lạnh lùng”, dù không có ly hôn cũng chẳng mấy ai dám nghĩ mình đang hạnh phúc. Một bà cụ từng nói với tôi: “Khi nào bà chết, mày bỏ vào quan tài bà lá đơn ly hôn!”.
Một bà cụ từng trăn trối: “Sau này phải chôn riêng tao và lão ấy! Sống khổ cả đời rồi, đến lúc chết phải để tao được yên”.

Nhiều người đánh chửi nhau như nghóe, nhưng suốt ngày kêu vì con cái, vì danh dự, vì không muốn làm cha mẹ buồn. Đó chỉ là ngụy biện khi bạn quá yếu đuối. Bạn không biết yêu chính mình, làm sao bạn có thể yêu con mình, bố mẹ mình?

Tôi rất ám ảnh vụ em Phan Minh Mẫn giết cha. Mẹ em chịu đựng cho chồng bạo hành bao nhiêu năm, đã đẩy con chị vào tội giết người.

Người xưa cũng đã dạy: Không biết thương mình thì trời tru đất diệt. Trên máy bay, bạn luôn luôn được hướng dẫn lúc ứng xử với sự cố: “Nếu bạn đi cùng em bé, khi có sự cố bạn phải đeo mặt nạ cho mình trước, rồi mới đeo cho em bé”.

Phụ nữ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Phụ nữ cũng chỉ có một lần được sống ở trên đời. Một cuộc hôn nhân đổ vỡ, cũng như phần cơ thể đã bị hoại tử, cắt thì đau, rồi sau đó mang tiếng què cụt, thì buồn, nhưng mà còn hơn để di căn ảnh hưởng cả tới những bộ phận đang lành lặn khác.

Trên tất cả, chính mình chứ không ai khác, bạn có quyền, có trách nhiệm tự thiết kế cuộc đời mình. Đừng lôi con cái hay cha mẹ hay dư luận ra để biện hộ cho việc phải sống chung để chịu đựng mụ vợ/ gã chồng. Ly hôn vì mưu cầu một cuộc sống lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn, đó cũng là hành động hướng thiện.

Tôi nghĩ, bằng những cách ứng xử đàng hoàng, sòng phẳng với cuộc đời mình, bạn chính là đã và đang dạy con bài học lớn nhất. Đừng để con cái nhìn thấy cảnh bố mẹ chửi nhau hay cảnh bố đánh mẹ. Không có gì kinh khủng hơn viêc đó!
Với bản năng của một con gà mẹ, tôi chọn ly hôn để bảo vệ con tôi!

Nguồn: Thu Ha