Hầu như chiều nào tôi cũng nhắc Sim đi tắm, tối nào cũng nhắc Sim đi đánh răng.
Và tôi biết rất nhiều ba mẹ khác cũng thế. hoặc khi điểm kém là ngay lập tức kiếm thêm sách cho con, tìm gia sư hay lớp học thêm.
Nhưng, đã có ai nhìn thấy bé nào bị tử vong vì không tắm hay vì sâu răng, hay vì điểm thấp chưa?
Nhưng tôi đã gặp nhiều người tử vong vì buồn chán và thất vọng… Tôi đã biết nhiều người giết người khác vì giận giữ, vì ganh tỵ, uất hận.
Tôi đã biết nhiều người bị đuổi việc, nhiều dự án bị bỏ dở, vì không quản lý được cảm xúc cuả mình.
Nghĩ coi, khi con đứt tay, ba mẹ có bao giờ bẻ cho con gãy tay luôn không, hay cuống lên băng bó? Nhưng khi con buồn, con chán, con thất vọng thì thường ba mẹ lại phủ nhận, chửi mắng: Hư đốn, quấy, phá, lỳ… Đánh thêm cho 1 trận. Nhấn thêm phát nữa… Cho con rớt luôn xuống hố!
Có người nói đùa: vì tiếng Việt mình gọi là nuôi con, chăm con.. nên bị tập trung quá nhiều vào phần Con, mà bỏ quên phần Người với rất nhiều cảm xúc?
Trong khi, hầu hết những trục trặc đó của con toàn do ba mẹ truyền qua gien, từ hội chứng stress hậu chiến tranh, hoặc là do cách nuôi dạy đầy căng thẳng tạo ra.
Sáng nay lại vừa đọc thêm 1 bài viết về 1 thạc sỹ du học Úc về nước mới 2 tháng, bị trầm cảm, bỏ nhà đi và để lại thư tuyệt mệnh.
Và ở nhiều nước tỷ lệ tử vong do do nguyên nhân tâm lý đã đứng số 1 trong các nguyên nhân tử vong. Có cái nghiên cứu ở ĐH Harvard nói 90% bệnh tật có liên quan tới stress. Cảm giác cô đơn nguy hại tới sức khỏe ngang bằng nghiện thuốc lá! Vậy mà…
Vậy mà buồn chán, tức giận, cô đơn, đau khổ, bị từ chối, thất vọng,… lại chẳng được ai chăm sóc như chăm sóc răng miệng cả!
Nhớ có lần tôi đã quát lên với Xu: “Chuyện có thế thôi mà sao con cứ cằn nhằn hoài vậy?” Xu mếu: “Con cũng muốn quên nó đi, mà con không quên được!”
Rồi có lần tôi lăm lăm cây roi trong tay: “Xu, Tại sao cứ có gì ko vui là con dằn hắt em Sim?” Xu khóc: “Vì mẹ còn có cô Hồng Anh mẹ gọi điện thoại, con thì có ai đâu!”
Tôi buông roi, gần như gục ngã vì thương nó :’(
Hóa ra tụi nó cũng stress lắm, nhưng nó không biết cách để giải phóng, để hóa giải cái cảm giác đó, thậm chí còn chưa biết gọi tên nó nữa.
Nhiều người nói rằng tuổi học trò vô tư hồn nhiên, có gì mà buồn lo!
Không! Trong cuốn “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”, tôi nói tuổi nào cũng có nỗi buồn cuả tuổi ấy, nhiều khi trẻ con nó buồn mà không nói ra được! Ở HHT tôi nhận được rất nhiều email, thư, điện thoại tâm sự buồn bã, muốn tìm tới cái chết. Nhiều lần phóng viên chúng tôi đã phải đi làm những bài viết rất buồn về học sinh tự tử, thậm chí 3 bạn, 5 bạn rủ nhau cùng tự tử.
Stress ở trẻ em thường xảy ra nhiều nhất ở những cột mốc như mọc răng, khủng hoảng lên 3, đi nhà trẻ, bắt đầu vào lớp 1, dậy thì…
Xu có một thời gian là cứ chiều tối là đau bụng. Đau rất nặng, mặt xanh không còn hột máu, mồ hôi vã ra, ôm bụng quằn quại.
Tôi đi khám ở 1 phòng nhi thì bảo phải đi nội soi dạ dày. Nhưng bác sỹ Đoàn thì nói là bé bị tâm lý vì mẹ quá lo lắng về việc ăn.
Hồi bắt đầu đi nhà trẻ, chiều về Xu thường khóc suốt tới khuya, quắp chặt lấy hông mẹ, rồi đang đêm giật mình tỉnh dậy khóc hoảng lên.
Nhớ hồi Xu mới vài tháng tuổi, cứ hôm nào tôi và chồng tôi cãi nhau là ngay lập tức đêm đó con khóc lóc khó ngủ bỏ bú.
Tôi cũng đã gặp những bé cứ mẹ đi vắng là mút tay. Nhiều bé cứ bắt đầu giờ học là bị đau bụng, đau đầu, buồn đi vệ sinh, cãi lại người lớn, ăn vạ…
Đó chính là stress !
Không thể nói: “Ngày xưa tôi còn khổ hơn nó nhiều, cơm không có mà ăn ấy chứ!”.
Không thể nói: “Nhảm, chuyện có gì đâu!”.
Anh Hat nói: nghề làm bố mẹ không bị đòi giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ đào tạo, không bị trừ lương, giáng chức. Nó dễ đến độ ai cũng tưởng mình làm được. Hic hic…
Hôm rồi, HTV9 cũng PV tôi làm sao khi con stress. Dạ, phải làm nhiều thứ lắm!
Đầu tiên tôi gợi ý, giúp Xu Sim gọi tên cảm xúc ra. Ví dụ: Con đang bực phải không? Con thấy ghen tỵ phải không? Con thấy tủi thân hả? Con đang thấy nhức đầu phải không?
Tôi có thể cảnh báo: “Trán con hơi sốt rồi, hôm nay con sẽ khó chịu trong người, con có thể sẽ cáu em Sim và với mẹ. Nếu không cẩn thận con lại làm mẹ điên lên là mẹ đánh con đấy. Hôm nay cả 3 người nhà mình cùng cẩn thận”.
Phải khám bệnh và chẩn bệnh đã, phải chính thức công nhận bệnh đã, rồi sau đó mới chữa bệnh kê toa.
Đừng có lên giọng dạy dỗ gì! Đừng giải thích, khuyên nhủ lúc con đang nổi cơn thịnh nộ! Mẹ cứ cắn răng nhịn tý đi, hít thở, né ra ngoài… rồi từ từ tính!
Như trận đấu tennis ấy, nếu con ném về phía mẹ 1 trái banh tennis, mẹ quật lại, thì cứ thế chơi nhau hoài! Trong cuộc cãi nhau, bên nào thông minh hơn thì bên đó có lỗi nhiều hơn. Khi mẹ và con căng thẳng thì mẹ có lỗi hơn, và mẹ phải có trách nhiệm dừng lại trước.
Rồi tôi lựa bạn để chơi! Những người lúc nào cũng than thở, những FB toàn bức xúc, cạnh họ, đọc họ thấy như bị rút sạch năng lượng, tôi tránh ra!
Rồi tôi bớt cầu toàn đi. Chấp nhận mình không hoàn hảo, chấp nhận con mình có thể học kém, có thể cư xử dở một chút. Tụi nó còn nhỏ mà, còn nhiều thời gian để sửa sai. Ngồi chì chiết, kết tội nhau thì có mà hết ngày!
Và quan trọng nhất là con sẽ học mẹ. Đừng hi vọng mẹ cứ nhảy sồn sồn lên rồi khuyên giải được con bình tĩnh.
Nóng giận là nhân quyền, nhưng cư xử thế nào khi nóng giận: chửi nhau, rút dao ra đâm nhau, hay hít thở và bỏ qua… lại là văn hóa.
Từ khi có con, tôi hiểu, nếu mình học được cái gì hay, nếu mình chữa được tính nóng cho mình, thì mình sẽ cứu được ít nhất là 3 người: tôi, Xu và Sim.
Tỷ lệ bị stress, tỷ lệ tự tử đang tăng cao. Gấp lắm rồi ạ, còn hơn cả vệ sinh tay chân, vệ sinh răng miệng ấy, phải chăm sóc và vệ sinh cảm xúc của mình mỗi ngày!
Nguồn: Thu Ha