Hãy tưởng tượng bạn được sống trong một xã hội “hoàn hảo” và “đồng nhất”. Ở đó bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về đồ ăn, thức uống, không bao giờ phải lo lắng về an ninh. Ở một cộng đồng “sạch” đến từng milimet vuông, không một tội ác khủng khiếp nào được thực hiện, không chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt màu da, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp vì tất cả mọi người đều như nhau. Mọi người trong cộng đồng không hề biết đến đau khổ hay buồn phiền, cái mà họ mang trong mình chỉ là sự yên ổn và những suy nghĩ bình yên. Đến đây bạn có thực sự thích sống trong cộng đồng ấy không?
Người Truyền Ký Ức (The Giver) của nữ văn sỹ người Mỹ Lois Lowry đã đưa người đọc vào thế giới của một xã hội “hoàn hảo, đồng nhất” như vậy, một xã hội giả tưởng, kỳ lạ nhưng lại gần gũi và không khác mấy với thế giới của chúng ta. Ở đó có một bé trai Jonas chuẩn bị bước vào tuổi 12 và em sắp sửa nhậnNhiệm vụ đầu tiên của đời mình. Ở cái cộng đồng “hoàn hảo” này, mọi thứ đều bị ràng buộc bởi những luật lệ và sự chuẩn xác của ngôn từ là cái quan trọng nhất. Luật lệ và Nhiệm vụ được thiết lập ra bởi Hội Đồng Bô Lão, nơi những người sáng lập ra cộng đồng sẽ theo dõi từng đứa trẻ một trong cộng đồng với nhiều quá trình rèn luyện, làm việc tình nguyện cùng với những góp ý của thầy giáo trực tiếp giảng dạy chúng, để cuối cùng Hội Đồng sẽ phân cho mỗi em bé 12 tuổi một Nhiệm vụ, mà các em sẽ gắn liền cuộc đời mình với nhiệm vụ đó. Nhiệm Vụ ở đây có thể là Mẹ Đẻ, Kỹ Sư, Nhà Khoa Học, Giám Đốc khu giải trí, Người Trông Trẻ, Người Trông Nom Người Già, và có cả một Nhiệm Vụ được xem là vinh dự nhất, lớn lao nhất và rất rất lâu mới có người được chọn, đó là Người Tiếp Nhận Ký Ức.
Ở một xã hội mà chỉ một câu nói đùa của một đứa trẻ “Con sắp chết đói đến nơi rồi” cũng sẽ bị đem ra phê bình nghiêm khắc, bởi trong cộng đồng đó không có khái niệm chết đói. Ở một cộng đồng mà hằng năm chỉ có 50 đứa trẻ được sinh ra. Ở một cộng đồng mà người cha và người mẹ không hề sinh ra con cái mà họ đang nuôi dưỡng. Ở một cộng đồng mà bất kỳ ai khi đến tuổi 12 và qua cái tuổi đó sẽ không còn nhớ gì về tuổi tác của mình nữa. Ở một cộng đồng mà một câu hỏi: “Bố mẹ có yêu con không?” thì câu trả lời nhận lại được không phải là “có” hoặc “không” mà là sự đòi hỏi chính xác về mặt ngôn từ “…con có thể hỏi “bố mẹ có thích con không?”… hoặc là “bố mẹ có tự hào về thành tích của con không?”…” Ở một cộng đồng mà người già hoặc trẻ em mới sinh có khiếm khuyết thì sẽ bị “phóng thích”. Ở một cộng đồng mà tất cả mọi người đều “đồng nhất” như nhau về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất cả rồi cũng sẽ yên bình trong cái cộng đồng ấy, chỉ cho đến khi…
Theo duynt