Review Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy

chu-chieu-bong-nha-ao-thuat-tay-danh-bai-va-tui-con-nit-xom-nho-sai-gon-nam-ay
chu-chieu-bong-nha-ao-thuat-tay-danh-bai-va-tui-con-nit-xom-nho-sai-gon-nam-ay

” Đố ai định nghĩa được tình yêu

Có khó gì đâu một buổi chiều… ”

Vào một buổi chiều rảnh rỗi, tôi quyết định ” hẹn hò với sách ” bằng việc lang thang trên Thư viện sách nói để nghe ” người lạ ” đọc sách chứ không muốn tự mình đọc như mọi khi. Đang lướt đi giữa vô vàn tựa sách, tôi bỗng dừng lại khi bắt gặp cuốn sách này. Ấn tượng về cái tựa sách dài dằng dặc đã thôi thúc tôi muốn biết về nội dung. Tôi đã nghe đọc suốt cả buổi chiều và rồi tôi đã ” bén duyên ” với Lê Văn Nghĩa từ đó.

Sài Gòn năm ấy là Sài Gòn của hơn bốn mươi năm về trước, thập niên 1960-1970. Trong con mắt của một cậu học trò lớp Nhứt ( tức là lớp năm bây giờ ) sống giữa những người lao động bình dân, ngày ngày bươn chải vì miếng cơm manh áo và đám con nít trong những xóm nghèo ven Sài Gòn, Sài Gòn chất đầy những ký ức sâu đậm. Những thước phim Sạc-lô từ chiếc xe chiếu bóng thùng của chú Hai Ngon, trò đá banh bàn và những miếng gỗ nhỏ chêm vào cần kéo banh, những buổi coi chiếu bóng cọp hay quầy hủ tiếu đang bốc hơi nghi ngút của chú Quẩy và cái vợt đen ngòm đậm mùi cà phê cùng những trò chơi nhất quỷ nhì ma như tạt lon, đánh trận giả khiến cho Tôn Sĩ Nghị ” ị ra quần “… Tất cả được nhắc nhớ qua những câu chuyện của lũ trẻ con một xóm nhỏ bên rìa thành phố. Với cách viết dí dỏm, quyến rũ, đặc sệt giọng Nam Bộ qua lối nói trại hay những câu nói đùa xã giao quen thuộc, Lê Văn Nghĩa đã thành công trong việc khắc họa lại những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như đang xem một cuốn phim khi bạn lật giở từng trang sách.

” Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy ” không chỉ là một cuốn sách dễ thương và đem lại tiếng cười, sự thoải mái cho người đọc mà nó còn là một cuốn sách cảm động về những tình bạn vô tư, hồn nhiên và đầy ấm áp. Chuyện thằng Minh cùng các bạn đi đẩy xe kéo, tổ chức buổi xem phim từ thiện tại lớp để giúp đỡ thằng Chim; chuyện thằng Minh giúp thằng Long mập hoà nhập và thân thiết với lũ trẻ trong xóm Ba-ra-dô…. Sự yêu thương đùm bọc giữa bọn trẻ nghèo ấy với nhau khiến tôi thật sự cảm động. Cách chú Hai Ngon sử dụng khẩu ngữ bình dân ” dẫu hèn cũng thể ” thường trực trên đầu môi như một phương châm sống, cách ông thầy Khổng Có dạy thằng Ti những bài học làm người bằng lời của thánh hiền kiểu như ” nhân bất học bất tri lý ” nói lên cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên đầy ắp tình người giữa những cảnh đời khốn khó. Những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó đã được tác giả lồng ghép vào những tình tiết truyện một cách thật khéo léo tài tình. Thật không hề nói quá khi nói rằng : Lê Văn Nghĩa rất ” có nghề ” khi viết về đề tài tuổi nhỏ học trò Sài Gòn trước năm 1975.

Cuốn sách này là món quà bí mật mà một người bạn dành tặng tôi dịp Giáng Sinh vừa qua để làm tôi bất ngờ nhưng lại bị tôi biết được vào phút chót vì bạn ấy không nhớ địa chỉ nhà tôi và nhắn tin hỏi tôi. Và sau ba lần ” đi lạc ” vì bạn ấy lại nhớ sai số điện thoại của tôi thì mãi một tuần sau khi lễ Giáng Sinh kết thúc tôi mới được cầm cuốn sách trên tay. Đến tận bây giờ, mỗi khi đọc lại cuốn sách này tôi vẫn bật cười khi nhớ đến kỷ niệm vui đó. Tôi thấy Sài Gòn đẹp quá, tôi thấy người Sài Gòn đáng yêu quá và bạn tôi cũng dễ thương quá chừng. Tôi thấy yêu Sài Gòn nhiều hơn, hiểu về Sài Gòn nhiều hơn – một Sài Gòn mang vẻ ” hoài cổ “. Tôi muốn đến Sài Gòn một ngày không xa, tôi muốn gặp nhà văn Lê Văn Nghĩa và nói lời cảm ơn bác ấy vì đã giúp tôi biết và thêm yêu Sài Gòn qua những cuốn sách của bác. Tôi chợt nhớ đến và miệng khẽ ngân nga những câu hát : Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi… Sài Gòn đẹp quá đẹp quá tràn bão ý thơ…