Bạn thường làm gì mỗi khi thấy buồn? Chơi game, nghe nhạc, xem phim…. Còn tôi, mỗi khi thấy buồn tôi thường đọc sách. Việc thả hồn mình vào từng trang sách sẽ khiến tôi quên hết mọi muộn phiền. Sự lựa chọn của tôi luôn là những cuốn văn học thiếu nhi có nội dung nhẹ nhàng, trong sáng để xoa dịu tâm hồn. Và lần này cũng thế, tôi đã chọn cho mình cuốn Sợi nắng ban mai của nhà văn Châu Hoài Thanh để cùng tôi bầu bạn vào một ngày mà nỗi buồn chẳng thể gọi thành tên…
Sợi nắng ban mai là câu chuyện về những ký ức tuổi thơ của cậu bé Lâm. Đó là câu chuyện về chiếc xe lon-món đồ chơi do chính ba cậu bé tự tay làm cho cậu, là chiếc xe nhựa màu xanh mẹ mua cho cậu ở cửa hàng thị trấn, là chú chó chiến binh tên Vàng thông minh và dũng cảm đã liều mình để cứu đàn con trong cơn bão dữ, là cảm giác buồn bã và tủi thân vì sợ bị “cho ra rìa” khi mẹ có em bé. Là lần đầu tiên ăn trộm tiền của mẹ chỉ vì muốn được ăn thử bún và phở rồi bị mẹ phát hiện và đánh đòn, là những tháng ngày đùa vui nghịch ngợm vô tư cùng hai người bạn thân nơi cửa biển nghèo quanh năm bão tố, là sự tiếc nuối khi chia xa nơi thân thuộc ấy để đến với phố thị hiện đại, nơi Lâm bắt đầu va chạm với những xúc cảm trưởng thành, học được nhiều bài học quý về tình bạn, tình cảm gia đình.
Thế giới trẻ thơ trong Sợi nắng ban mai thật trong sáng, gần gũi và cảm động. Chắc chắn một điều rằng, bất cứ ai khi đọc cuốn sách này đều sẽ tìm thấy tuổi thơ của mình trong đó giống như tôi; bởi mỗi câu chuyện nhỏ đều chất chứa các kỷ niệm mà chúng ta dễ dàng đồng cảm. Tôi cũng đã từng phá hỏng những món đồ chơi mà bố mẹ mua cho ngày bé, phá nhiều đến nỗi bố tôi phải thốt lên rằng: “Sao bố đẻ ra mày là con gái mà mày còn nghịch hơn cả con trai thế hả?” Tôi nhớ khi đó tôi đã trả lời bố thế này: “Bố là người sinh ra con mà bố còn chẳng biết thì làm sao con biết được” và bố tôi chỉ còn biết lắc đầu chịu thua trước lý lẽ của tôi. Tôi cũng đã từng lấy trộm bánh kẹo mẹ cất trong tủ để dành cho mấy ngày Tết và bị mẹ biết được. Mẹ không đánh, không mắng mà chỉ nói với tôi một câu mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ: “Con muốn ăn có thể xin mẹ đàng hoàng mẹ sẽ cho con. Miếng ăn là miếng tồi tàn, mẹ sẽ rất buồn và đau lòng nếu như con trở nên hư hỏng chỉ vì điều đó. Đừng bao giờ làm thế nữa nhé”. Tôi cũng đã từng giận các em mình khi chúng được bố mẹ cưng chiều còn tôi thì bị ngó lơ. Tôi cũng đã từng đánh nhau với các bạn trong lớp khi chúng trêu chọc tôi, cũng từng thầm thương trộm nhớ cậu bạn cùng bàn bởi nụ cười dễ mến của người ta. Còn rất nhiều rất nhiều những lần “đã từng” nữa của tôi cứ lần lượt hiện ra ngập ngụa trong ký ức khi tôi lật giở từng trang sách. Những dòng văn nhẹ nhàng chân thật đưa ta qua các rung động đầu đời, như lắng nghe bản nhạc đẹp đẽ lúc ban mai.
Trích đoạn hay trong sách:
“Một buổi sáng đẹp vẫn luôn lấp lánh trong kí ức tôi. Bình minh rực hồng phía chân trời. Hơi sương lạnh phảng phất, trong lành. Lồng ngực tôi ngập đầy niềm vui và sự háo hức con trẻ trước trò chơi hấp dẫn sắp bắt đầu. Nhứt kéo dây chạy nhanh về phía trước. Tôi nâng con Đại Bàng Lửa lên ngang đầu, chạy theo. Như trong giấc mơ, con diều lớn oai vệ tung mình lên cao, thả vội xuống đầu tôi những hạt cát nhỏ.
Trong giây phút vui sướng vô cùng, tôi không nghĩ gì hơn, chỉ chạy theo cái bóng của thằng Nhứt…“