Đối với tôi, văn chương giống như một hạt mầm tốt lành, đẹp đẽ được gieo vào tâm hồn tôi qua những cuốn sách mà tôi đọc. Để rồi hạt mầm ấy từ từ lớn lên, trở thành cây và cho những trái ngọt. Đó là sự trưởng thành và hoàn thiện nhân cách theo thời gian. Tôi đã học được nhiều bài học sâu sắc về nhân bản, về sự bình đẳng và tình người. Và Túp lều bác Tom của nhà văn Harriet Beecher Stowe là một trong những cuốn sách như vậy.
Túp lều bác Tom là cuốn tiểu thuyết được xem là chân thực, sống động nhất kể về một thời kỳ chống chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ. Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1852 và là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất thế kỷ XIX. Trong năm đầu tiên kể từ ngày xuất bản, chỉ tính riêng trong lãnh thổ Hoa Kỳ, tiểu thuyết này đã bán được ba trăm ngàn cuốn dù bị cấm ở một số bang.
Túp lều bác Tom kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom với chuỗi ngày đen tối đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn nhưng vẫn rất trung thực, kiên cường và tôn trọng phẩm giá con người; thà chịu đòn đau đớn chứ nhất định không vấy bẩn lương tâm.
Tuy thân thể bị xiềng xích nhưng trái tim bác lại hoàn toàn tự do. Với một tâm hồn rộng mở, qua những trang Kinh Thánh, bác sẵn sàng học những điều tử tế của cuộc đời. Bác mang trong mình một trái tim ấm nóng, luôn quan tâm, yêu thương hết thảy những con người lương thiện và luôn thủy chung một lòng với người chủ cũ của mình là gia đình Shelby. Bác làm việc chăm chỉ, tận tụy, hết lòng giúp đỡ mọi người. Bác yêu quý và dạy dỗ cô con gái của ông chủ mình lối sống yêu thương.
Mặc dù có cơ hội bỏ trốn nhưng bác đã chấp nhận ở lại bên những con người cùng khổ như mình để an ủi, động viên họ để rồi đến cuối cùng bị đánh chết trong đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mỹ, cũng là nơi đã chôn vùi bao cuộc đời lầm than như cuộc đời bác. Tôi nghĩ bác Tom chính là điểm sáng trong câu chuyện. Bác giống như là hiện thân của Thượng Đế giữa cuộc đời đầy đau khổ. Cái chết của bác đã đem đến sự giải phóng cho biết bao con người khác.
Cuốn sách còn kể về số phận của Eliza cùng đứa con bỏ trốn. Đó là một người mẹ đã hy sinh tất cả để cứu đứa con khỏi rơi vào tay một tên buôn nô lệ tàn ác; đó là một người vợ tha thiết yêu chồng – một thanh niên thông mình, đã sáng chế ra một cái máy tước sợi gai, mà cuộc đời cũng bị đày đoạ trăm nghìn cay đắng. Họ đã vùng dậy, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù để được sống là một con người đúng nghĩa. Trên con đường gian nan ấy, họ đã gặp được rất nhiều những con người tốt bụng. Những người Quaker tử tế sẵn lòng giúp đỡ họ lên đường sang Canada để tìm tới tự do.
Ta cũng gặp thấy hình ảnh cô bé Eva St Clare – một thiên thần thực sự dưới trần thế. Xinh xắn thánh thiện từ vẻ ngoài đến tâm hồn. Tâm hồn em như chẳng hề tì vết, em yêu thương tất thảy những người nô lệ đáng thương, em luôn luôn day dứt về chế độ bạo tàn của xã hội.
Là hình ảnh người cha của cô bé. Một người không ủng hộ chế độ nô lệ nhưng cũng không biết làm thế nào để thoát khỏi nó. Một con người cao quý luôn tôn trọng và không bao giờ đánh đập nô lệ của mình. Một người cha yêu con hơn mọi thứ trên đời dẫu rằng cuộc hôn nhân của anh chẳng hề hạnh phúc.
Đó còn là hình ảnh của anh George Shelby, người luôn nỗ lực để bảo vệ quyền con người, coi chế độ nô lệ là một chế độ dã man cần xoá bỏ.
Những con người ấy chính là ánh sáng đang lớn dần, có thể đem lại cuộc sống mới cho những người nô lệ.
Mỗi câu chuyện, mỗi mảnh đời trong cuốn tiểu thuyết này đều lay động lòng người nhằm thức tỉnh lòng vị tha và tình cảm đối với người châu Phi da đen. Đau lòng hơn cả là những chi tiết ấy, những bất công và tủi nhục mà những người gốc Phi này phải chịu không chỉ ở trong tiểu thuyết, mà nó thực sự đã từng xảy ra như vậy ở ngoài đời. Chính vì vậy, tác phẩm cũng đồng thời lên án đanh thép chế độ nô lệ, lên án pháp luật nước Mỹ khi đó đã bênh vực chế độ này.
Những lời lẽ mà tác giả Harriet Beecher Stowe viết nên sắc xảo và đanh thép đến mức trở thành sức mạnh thổi bùng lên cuộc đấu tranh giải phóng và dành quyền bình đẳng của những người da đen nô lệ. Nó cũng là lời tố cáo hùng hồn về chế độ vô nhân đạo của nước Mỹ ở thế kỷ XIX, khích lệ những người Mỹ có lương tâm đấu tranh để tiêu diệt nó.
Qua mỗi trang sách bạn đọc sẽ được khóc, cười, căm giận, vui mừng cùng các nhân vật; nhưng vượt lên trên tất cả những nỗi buồn vui ấy, ta vẫn thấy lấp lánh ánh sáng của tình yêu thương con người và hơi ấm dịu dàng của những tâm hồn thiện lương.
Với Túp lều bác Tom, nhà văn Stowe đã góp phần giúp cho con đường đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc trở nên ngắn hơn, bớt chông gai hơn và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Túp lều bác Tom thật sự là một câu chuyện chạm đến trái tim của bất cứ ai đã từng đọc nó và đủ để Harriet Beecher Stowe lưu danh hậu thế với một niềm kiêu hãnh xứng đáng.
Trích đoạn hay trong sách:
“Tự do, đó là quyền được làm người, và không phải là con vật; quyền được gọi người phụ nữ mà anh yêu là vợ mình, được che chở người ấy chống lại mọi bạo lực bất hợp pháp; quyền được che chở và dạy dỗ con mình, quyền được có một gia đình, một tôn giáo, có nhân phẩm mà không bị một người khác xâm phạm.“