Quân Khu Nam Đồng-tâm thức của một thế hệ

Vikwi reivew sách hay: Quân Khu Nam Đồng
Vikwi reivew sách hay: Quân Khu Nam Đồng

Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc-Nam. Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha. Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem. Không biết Bobo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ“.

Đây là những lời hát trong bài hát Lá Cờ của nhạc sĩ ca sĩ Tạ Quang Thắng mà tôi rất thích. Là một người trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, khi mà chiến tranh đã lùi xa thật xa nên hiểu biết của tôi về chiến tranh và thời bao cấp là một con số không tròn trĩnh. Chính vì thế mà tôi rất thích nghe bà nội và bố mẹ kể những câu chuyện ngày xưa mỗi khi cả gia đình quây quần bên nhau vào những dịp rảnh rỗi. Và khi đọc Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca tôi cảm thấy vô cùng thích thú giống như chính mình được chứng kiến cuộc sống mà bà nội và bố mẹ tôi đã sống qua từng câu từng chữ trong cuốn sách.

Tôi đọc cuốn sách này vào một tối muộn khi mọi người trong nhà đã đi ngủ hết. Có rất nhiều điều trong cuốn sách này khiến tôi liên tục bật cười rồi lại nghẹn ngào đến lặng người đi trong xúc động và bị bà nội mắng cho một trận vì tội thức khuya rồi bắt đi ngủ. Vì thế, lời khuyên của tôi dành cho bạn trước khi đọc nó đó là: Bạn không nên đọc cuốn sách này khi đang họp, ở nơi công cộng hoặc trên giường lúc đêm khuya vì bạn sẽ làm phiền người khác.

Gọi là Quân khu nhưng truyện không phải nói về đề tài chiến tranh mà là mượn chiến tranh làm bối cảnh để kể về cuộc sống hậu phương thời chiến ở Hà Nội những năm 1980. Quân khu Nam Đồng không có nhân vật chính đúng hơn nhân vật chính là những đứa con của những người lính mà cuộc đời chủ yếu ở chiến trường. Những cô bé cậu bé mười lăm mười bảy tuổi lộc ngộc mới lớn, thông minh nhưng khờ khạo, dũng cảm nhưng ngốc nghếch vụng về.

Chúng sống một cuộc sống tập thể, nỗi buồn thì khác nhau chút ít nhưng niềm vui, sự trong sáng,chân thành và tình anh em, chất “quân khu” thì chia đều cho tất cả. Chúng bày đủ trò trong trường lớp. Nào là thống nhất mặc quần áo vá víu chằng chịt đi học, nào là hát lái thật to bài Trường Ca trong giờ chào cờ để chọc tức thầy hiệu trưởng, rồi rút quai dép của bạn, bẻ chân gà nhà thầy cô giáo, duyệt binh kéo lê đế giày quèn quẹt trên mặt đường, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán…

Giang Cận, Việt, Hoàng, Hoà, Quang Anh, Mai Hương gắn kết với nhau bằng những kỷ niệm chung về trường lớp, thầy cô, những trò nghịch tai quái nhất quỷ nhì ma ấy.

Chúng sống cùng nhau, chơi cùng nhau và yêu đương cũng cùng nhau. Những mối tình đầu trong sáng, vụng dại, ngộ nhận và vấp ngã.

Trong ngôi nhà ở hậu phương người lính, những ngôi nhà thường xuyên vắng bóng đàn ông, những ngôi nhà mà những người đàn bà vừa làm mẹ vừa làm cha, những ngôi nhà mà ở đó những đứa trẻ dường như tự lớn, tự trưởng thành, tự hoàn thiện nhân cách của mình bằng nhiều cách khác nhau, kể cả phải trả giá bằng máu, bằng tù tội.

Những đứa trẻ ấy có thể nghịch ngợm, đánh nhau, lười học nhưng những hành động của chúng không phải là hỗn hào hay vô lễ gì cả mà đó chỉ là sự bồng bột, hồn nhiên của tuổi thơ ngây bởi chúng mang trong mình dòng máu con nhà lính. Những người lính luôn đầy lòng trắc ẩn, đầy lòng thương yêu nên những điều đó cũng được thể hiện trong những đứa con của họ.

Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của thầy giáo dạy Văn chúng đã xúc trộm gạo trong nhà mang đổi lấy bánh cuốn cho các con của thầy rồi nhờ bố mẹ đến khám bệnh cho vợ thầy. Đến khi Tổ Quốc cần thì chúng sẵn sàng đi bộ đội, bước vào những cuộc chiến một cách thanh thản, tự nhiên như công việc mà bố mẹ chúng vẫn làm.

Điều mà tôi yêu thích nhất trong cuốn sách này chính là cách hành văn giản dị, dễ hiểu của tác giả Bình Ca có lẽ bởi vì Quân khu Nam Đồng không phải là một cuốn tiểu thuyết lớp lang chương hồi, có nút thắt nút mở mà chỉ đơn giản là một cuốn truyện kể về những câu chuyện có thật, những con người có thật trong một khu tập thể gia binh lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Bình Ca cũng không phải là nhà văn chuyên nghiệp,ông chưa từng viết lách, không hiểu gì về văn chương, thậm chí quy tắc viết hoa các chữ cái cũng không biết; ông cũng chỉ đơn giản là một người con của khu Nam Đồng kể lại một cách trung thực những gì đã diễn ra khi ấy nên cuốn sách tự nhiên có một cái chất rất đỗi gần gũi, mộc mạc, dễ thương và hồn nhiên. Và cũng chính vì lẽ đó mà trong cuốn sách này tình mẹ con, tình cha con, tình thầy trò, tình bạn, tình anh em cứ thế hiện lên thật mộc mạc và cuốn hút người đọc.

Nếu đã từ lâu rồi bạn chỉ đọc những cuốn sách kỹ năng hay những cuốn sách về kinh tế phải vừa đọc vừa suy ngẫm và nhiều lúc khiến bạn thấy căng thẳng, nhàm chán thì hãy thử một lần đọc cuốn sách dễ thương này để thư giãn, để hiểu, để yêu hơn và trân trọng một thời gian khó nhưng cũng rất tươi đẹp của ông bà cha mẹ mình thuở nào.

Mua Sách  Trên Tiki