Tôi nghĩ rằng mọi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời này đều bắt đầu bởi một chữ: Duyên. Người với người gặp nhau do duyên, người đọc sách gặp được cuốn sách mình yêu quý cũng là nhờ duyên. Ngay khi đọc những trích đoạn của cuốn sách này trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp ba và lớp năm của các em tôi, tôi đã vô cùng yêu thích và ấn tượng với nó. Và rồi vào dịp hè bốn năm trước khi vô tình “bén duyên” với công việc thủ thư tại thư viện nhà thờ, tôi đã có cơ hội đọc trọn vẹn cuốn sách mà mình say mê từ thuở nào. Hạnh phúc và sung sướng biết bao! Và dù cho sau này đã đọc đi đọc lại cuốn sách này không biết bao nhiêu lần nhưng những cảm xúc mà tôi dành cho nó vẫn vẹn nguyên như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Cuốn sách được trình bày dưới hình thức một cuốn nhật ký của cậu bé người Ý-Enrico Bottini. Nhân vật trong đó là các thầy cô giáo, bạn học, cha mẹ của Enrico; những con người bình thường nhất nhưng nhân cách của họ, mối quan hệ của họ, cùng những tấm lòng cao cả, thánh thiện của họ mãi là những bài học đạo đức sâu sắc và đáng quý.
Đó là câu chuyện về thầy hiệu trưởng đã tự tay xé lá đơn từ chức của mình để tiếp tục ở lại trường; là thầy chủ nhiệm Péc-bô-ni không bao giờ cười nhưng rất thương yêu học sinh; thầy Coatti dạy lớp hai rất vui tính; là một cụ giáo già đầy tâm huyết muốn dạy học đến ngày cuối cùng của cuộc đời nhưng vì run tay trót đánh rơi giọt mực xuống trang vở của học sinh nên đành phải xin về; là cô giáo lớp một đã qua đời ba ngày trước khi kết thúc chương trình học chỉ vì cô bị ốm nhưng không muốn nghỉ dạy để chữa bệnh, không muốn xa học trò của mình. Cô còn yêu cầu thầy hiệu trưởng không cho học trò đi theo đám tang vì sợ các em khóc. Ôi thật là một thiên trường ca cảm động về tình thầy trò! Đó còn là bố mẹ Enrico-những người luôn chăm sóc con hết mực, dạy cho con nhiều bài học qua những lá thư, một cách dạy con ý nhị và độc đáo mà các bậc làm cha làm mẹ nên học tập theo.
Xen kẽ vào cuốn nhật ký của cậu bé Enrico là các truyện đọc hàng tháng (thầy giáo yêu cầu học sinh chép để đọc cho cả lớp), đây là những câu chuyện kể về tấm gương những thiếu niên dũng cảm của nước Ý, có những người hy sinh vì Tổ quốc như cậu bé trinh sát ở Lombardia mà lần nào đọc tới đó tôi cũng bật khóc, có người chết để cứu những người thân thiết như cậu bé ở Roma hay cậu bé người Sicilia, và cả những người có nhiều nghĩa cử cao đẹp,…
Ra đời cách đây đã hơn một thế kỷ nhưng những bài học về giáo dục đạo đức con người trong “Những tấm lòng cao cả” chưa bao giờ là xưa cũ. Cho đến nay tác phẩm bất hủ này vẫn vang vọng và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc, đó là sự đồng cảm, xúc động sâu sắc dành cho những tấm lòng nhân hậu, khoan dung và những bài học quý giá về tình người thông qua cái nhìn của một cậu bé còn dưới mái trường tiểu học. Giáo dục phải tiến hành có nghệ thuật, mà nghệ thuật văn chương là công cụ giáo dục tốt. Và sự thành công của Edmondo De Amicis là ở đó.