Review Mùa hè năm Petrus

mua-he-nam-petrus
mua-he-nam-petrus

Thời còn đi học, tôi rất thích những bài viết của cây bút Hai Cù Nèo, Điệp viên Không Không Thấy trên báo Tuổi Trẻ Cười mà tôi hay mượn đọc từ cậu bạn cùng bàn. Thời gian gần đây, khi đọc một loạt những cuốn sách viết về Sài Gòn xưa và ký ức tuổi học trò của nhà văn Lê Văn Nghĩa rồi bị ” nghiện ” còn hơn người ta nghiện Cỏ Mỹ và tìm hiểu nhiều hơn về tác giả này tôi rất bất ngờ khi biết rằng đây chính là thần tượng của mình ở cái tuổi ô mai ngày nào. Tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc như gặp lại một người bạn thân xa cách lâu ngày vậy. Và Lê Văn Nghĩa lại một lần nữachinh phục hoàn toàn trái tim tôi với Mùa hè năm Petrus như cái cách mà ông đã chinh phục tôi trong những cuốn sách trước của mình.

Mùa hè năm Petrus kể về cuộc sống trong ghế nhà trường giai đoạn cuốithập niên 60 thế kỷ trước ở Sài Gòn. Bối cảnh truyện là lớp Trung học đệ nhất cấp – lớp Tứ Bảy tương đương với năm cuối trung học cơ sở ngày nay của trường Petrus Trương Vĩnh Ký toàn nam sinh, cũng chính là trường Trung học cơ sở Chuyên Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Vẫn cái giọng văn giản dị, hài hước, gần gũi và đúng điệu người Sài Gòn một ” thời xa vắng ” tác giả Lê Văn Nghĩa đã cho chúng ta nghe một câu chuyện thật sinh động, sinh động hơn cả một cuốn hồi ký của thế hệ học trò giai đoạn này. Bằng cách dẫn dắt, kể chuyện cuốn hút tác giả đã làm sống lại những năm tháng tuổi trẻ của các cậu trai mới lớn; sống lại những năm tháng trung học qua hàng loạt những sinh hoạt hiệu đoàn sôi nổi thời bấy giờ. Những hoạt động như báo chí, văn nghệ, thể thao hay giao lưu, vui chơi trong và ngoài trường đã tạo nên một hình ảnh môi trường giáo dục tích cực,giúp bồi dưỡng học sinh trở thành những người hữu ích cho tương lai. Cuốn sách có sự hòa quyện, đan xen giữa hư cấu và chân thực. Hư cấu ở chỗ : những thằng Dũng, thằng Thịnh, thằng Hòe ấy không phải là bất cứ ai ở ngoài đời thật cả nhưng chân thực ở chỗ những thầy Minh, cô Hương, cô Diễm đều là những giáo viên có thật, đã từng ghi dấu trong ký ức và trái tim mỗi thế hệ học sinh đã từng học tại trường Petrus bằng những bài giảng của mình. Hay những câu chuyện về những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ như Sơn Nam, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hữu An được tác giả nhắc đến trong cuốn sách cũng hoàn toàn chính xác chứ hề bịa đặt. Chính nhà văn Lê Văn Nghĩa đã khẳng định điều này.

Bằng văn phong, ngôn ngữ nhẹ nhàng, duyên dáng rất riêng của mình, tác giả đã tái hiện lại lối nói chuyện da diết của học trò Sài Gòn ngày xưa. Rồi vẫn những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò vô cùng trong sáng, nên thơ mà ẩn đằng sau đó là những bài học sâu sắc và đầy tình người mà tác giả muốn gửi gắm. Người xưa đọc để nhớ, người trẻ tuổi đọc để tìm hiểu, người miền khác đọc để biết thêm về một vùng đất đầy tình thương, chia sẻ và dung nạp. Và cũng bởi quá yêu Sài Gòn, quá yêu Lê Văn Nghĩa, quá yêu cuốn sách này mà sau khi đọcnó xong tôi đã ước gì mình được sống lại quãng đời học sinh một lần nữa, được học tập tại đây và trở thành một phần hồi ức của ngôi trường Petrus Ký tuyệt vời này. Tôi chắc chắn mình sẽ còn đọc lại cuốn sách này nhiều lần để cùng với nó hồi tưởng lại kỷ niệm của riêng mình về một thời trung học mà hầu như ai cũng phải trải qua.