kinh nghiệm nuôi dạy con của một nữ nhà báo: Con nghĩ đi, mẹ không biết

Con nghĩ đi, mẹ không biết | Vikwi - Review sách hay nên đọc

(Vikwi – Review sách hay) Trong cuốn sách nào đó tôi đã đọc được một nhận định là chúng ta cho tới khi xây dựng gia đình chưa từng đọc một cuốn sách nào nói về tâm lý của người khác giới, cả việc cho tới khi chúng ta sinh con và nuôi con cũng chưa từng đọc một cuốn sách nào nói về phương pháp nuôi dạy con. Con nghĩ đi mẹ không biết là một cuốn sách chia sẻ phương pháp nuôi con thực tế của tác giả để làm sao bố mẹ cảm thấy nhẹ nhàng hơn mà con vẫn vui vẻ và hạnh phúc, để làm sao mà nuôi con để không phải là một cực hình.

Tác giả là chị Thu Hà đã trải qua 20 năm làm báo, làm về nhân sự, đã từng là một người con ngoan và một trò giỏi. Chị đã tốt nghiệp đại học sư phạm và đi dạy mấy năm nhưng chị nhận ra rằng chị không hợp với nghề giáo viên gò bó, chị quyết định nghỉ dạy để tìm hướng đi mới cho mình, rồi chị phát hiện ra đam mê và sở trường của bản thân là viết, thế là chị đến với nghề viết báo. Công việc của chị giúp chị được tiếp xúc với nhiều người, nhiều lĩnh vực, được nghe tâm sự của các bạn học sinh và các bậc phụ huynh. Chị đã có con nhỏ khó nuôi, còi cọc và ốm liên tục những năm đầu đời. Chị đã dũng cảm đưa con chị ngược với chiều thương, ngược với đám đông, ngược với những định kiến của xã hội.

Cho tới thời điểm chị viết xong và xuất bản cuốn sách này thì có thể nói chị và các con đã vượt qua những khó khăn mà chắc chắn có rất nhiều ông bố bà mẹ khó lòng dũng cảm để làm điều đó. Vậy chị đã làm gì? Và làm như thế nào?

Đã từ lâu việc coi trọng bằng cấp và điểm số đã ăn sâu vào mỗi người trong chúng ta, từ nhà trường cho tới các bậc phụ huynh. Thực tế điểm cao có thật sự tốt cho tương lai con chúng ta? Học thêm có tốt hơn không? Học trước chương trình trước khi vào lớp 1 có tốt hơn? Học nhiều và học ít, học cái gì sẽ tạo dựng một tương lai tốt nhất cho con chúng ta? Vâng, hãy đọc cuốn sách để biết làm thế nào tác giả lại không cho con đi học thêm và học chữ trước khi con chị vào lớp 1. Về việc học con chị đã xuất phát từ con số không, thua kém nhiều bạn cùng lớp và cùng lứa tuổi đã học thêm trước đó. Với việc thua ngay từ vạch xuất phát trên thì khả năng bị giáo viên phạt là rất lớn, cả bị các bạn trong lớp trêu chọc hay bắt nạt nữa. Vậy thì làm thế nào để bé có thể tránh được các hình phạt của giáo viên, hay chịu những phạt mà không bị ảnh hưởng xấu tới sau này là tâm lý tự ti, xấu hổ?

Qua quan sát những người có con nhỏ xung quanh và đặc biệt ở làng quê thì tôi thấy việc nuôi con những năm đầu đời là rất vất vả, không hẳn là chỉ vất khi trẻ bị bệnh mà còn vất vả cả khi trẻ khỏe mạnh nữa. Đó là trong những bữa ăn, những khi trẻ vui đùa, hay khi nhà có từ 2 trẻ nhỏ trở lên chúng hiếu động đùa nghịch và tranh đồ nhau… Đặc biệt là khi cho trẻ ăn, chúng ta quan trọng quá mức về sự tăng trưởng của trẻ mà cố nhồi, cố làm vui trẻ để làm sao trẻ ăn nhiều theo ý muốn của người lớn nhất. Hệ quả là có trẻ phải ăn kèm nước mắt, tạo ra tâm lý sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn, người lớn thì bơ phờ và phải làm đủ mọi trò như con rối. Trong cuốn sách có đề cập tới nhiều điều mà tôi đọc cũng thấy phì buồn cười, cười cả trong hoang mang vì tác giả nói đưa bé đi bác sỹ thì mỗi bác sỹ nói một kiểu, còn có kinh nghiệm là một khi đã đi khám thì phải khám ít nhất từ 3 bác sỹ trở lên nữa. Việc ép trẻ ăn sẽ gây hậu quả khôn lường cho hệ tiêu hóa, tâm lý của trẻ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thể chất và cả tinh thần, trí tuệ sau này. Trong phần này tác giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm vượt qua việc nuôi con gái bị ốm liên tục, nôn nhiều, bị mọi người xung quanh chê là còi cọc và trách mẹ không biết nuôi con.

Trong cuốn sách tác giả cũng chia sẻ về phương pháp dạy cho trẻ học được nhiều kỹ năng khác nhau như hiểu biết về tiền, về tình yêu… và nhiều điều khác nữa.

Tôi nhận thấy cuốn sách sẽ rất hữu ích với các bậc cha mẹ và một tương lai tốt đẹp cho các bé nếu các bậc cha áp dụng được nhiều kiến thức từ cuốn sách. Cuốn sách không hướng tới xây dựng một con người theo ý muốn của người khác, mà tác giả hướng tới một con người có trí tuệ, tự thân vận động, tự lập, chịu được các sóng và biết cách tìm phương pháp để vượt qua các sóng gió có thể gặp trong cuộc sống.

Bài liên quan:
Hãy học kinh nghiệm dạy con của bà mẹ Trung Quốc gốc Do Thái
Nhàn hơn và làm được nhiều việc hơn khi sử dụng “địu em bé an toàn”