Tôi nói câu này có gan quá không, khi khắp nơi hầu như ba mẹ nào cũng nói con tôi lười học quá! Kỳ họp Phụ huynh này, lớp nào cũng nghe giáo viên nói về học sinh chưa chăm, chưa chú ý, đúng không?
Nhưng bạn có thấy tụi trẻ con không bao giờ ngồi yên, lúc nào cũng tý tóay, tò mò, phá phách? Nó đang học đấy!
Chỉ là nó không thích học theo kiểu người lớn muốn. Không thích “tay khoanh lên bàn, mắt nhìn lên bảng, nghe cô giáo giảng ngoan thật là ngoan”.
Không thích suốt ngày bị dí ép: “Con học bài chưa? Còn mấy bài tập nữa? Hôm nay cô giao mấy bài về nhà? Hôm nay được mấy điểm?
Không thích bị so sánh: “Lớp có đứa nào điểm cao hơn con không?” “Nhìn con người ta kìa!” ‘Ngày xưa ba mẹ khổ hơn con nhiều!”
Không thích bị ba mẹ ngồi kè kè, kiểm tra bài, giảng bài liên tùng tục, lên giọng, nghiến răng hay thở dài não nề.
Không thích học trong tình trạng não và toàn thân tràn ngập cortisol. Khi căng thẳng và sợ hãi thì máu không bơm lên não, không tư duy sáng suốt được đâu ạ.
Nhiều phụ huynh hỏi tôi: Làm sao để nó ko còn sợ toán? Không còn ghét văn? Làm sao để con tôi tự giác học?
Thì hãy đừng biến Học thành nghĩa vụ nặng nề! Học nên là món quà!
Thế giới biết bao điều ký thú, biết bao đỉnh cao cần chinh phục, biết bao việc phải làm.. Nếu con chán học thì sẽ ko chỉ làm chậm 1 bài học, mà còn trì níu ảnh hưởng tới cả cuộc đời con.
Con tôi Xu Sim may mắn gặp được những thầy cô dễ thương. Ví dụ như thầy cô dạy Toán tiếng Anh ở Stemhouse Education. Thầy cô trẻ, luôn trăn trở để tìm những cách làm sao để môn toán khô khan trở nên hấp dẫn hơn. Làm sao để liên hệ kiến thức này vào thực tế.
Hôm dạy dự án kết hợp giữa Maths và Sciences về tỷ lệ, phân số, tính %… cô Minh yêu cầu tụi nhóc ở Stemhouse mở tiệm bán bánh, thế là tụi nó phải đi các lớp để hỏi, phỏng vấn, điều tra, rồi về thống kê xem bao nhiêu % bạn thích, thích bánh gì, rồi ngồi tính toán tỷ lệ bột, đường, sữa,… Học toán mà vừa đi phỏng vấn, vừa giao tiếp, vừa tính toán rồi cân đo, rồi nhào, rồi trộn, rồi nướng, và rồi nếm! Cô bẽn lẽn kể: em hơi bể giáo án, dự án này em tính cho tụi nó bán bánh nữa, mà tụi nó phấn khích quá, nướng xong ăn hết sạch, chả bán được đồng nào. Chắc tháng sau phải làm lại!
Học như thế, nên tụi nó say lắm. Hèn chi, khi sắp hết giờ, cô nói: “Time’s up!”, ngay lập tức, một cậu HS bật lại: “No, please!” (Ở Stemhouse Education, tất cả các môn Toán, Khoa học, Computer,… đều dạy bằng tiếng Anh).
Thế nên là thường xuyên ba mẹ tới đón kẹt xe dưới đường mà gọi hoài con không xuống, vì vẫn quấn lấy thầy cô để học tiếp.
Tôi hỏi: Sao mê thế? Vì ở đây con được sờ tay vào làm.
Ừ, đúng là không công nghệ nào bằng sự nhiệt tình, không thiết bị nào thích bằng được sờ tay vào. Learning by doing vẫn là cách mà tụi trẻ con thích nhất, học được nhiều nhất. Học xong thì bột, bụi nhem nhuốc quần áo và ba lô, nhưng mắt mũi sáng rỡ.
Các nhà khoa học Anh đã đo thấy rằng, bộ não 1 đứa trẻ con làm việc nhiều gấp 2 lần bộ não của 1 sinh viên Đại Học! Mà đó là sinh viên Anh Quốc đấy, chứ còn sinh viên Việt Nam, vốn học xìu xìu ển ển thì chắc là tụi nhóc còn gấp 3.
Đừng than con lười nữa nha các mẹ. Nếu tụi nó lười, dạ thưa đó là tại ba mẹ và giáo viên và chương trình chán quá!
Xin lỗi, nhưng thật!
Nguồn: Facebook Thu Hà (nhà báo, tác giả cuốn: Con nghĩ đi, mẹ không biết).