Khắc phục chiến tranh giữa hai thế hệ về việc nuôi dạy con cháu

Khắc phục chiến tranh giữa hai thế hệ về việc nuôi dạy con cháu

Khắc phục chiến tranh giữa hai thế hệ về việc nuôi dạy con cháu

“Tao còn đẻ được ra mày, mày không phải dạy tao!”
“Vứt cái bằng ĐH, Cao học của mày đi, Tao còn nuôi được chồng mày, nuôi cả 4 đứa con lớn bằng này, mày khinh tao à?”
“Bọn mày dạy con toàn sách vở, lý thuyết, nhảm nhí!”
“Nuôi nấng thế nào mà cháu tao gầy thế! Bố mẹ này ko biết nuôi con!”
“Ôi, cháu bà ngã à, để bà đánh chừa cái bàn nha!”
Nhiều người bảo: “Có con mới hiểu lòng cha mẹ”, nhưng nhiều nhà lại nói: “Từ khi sinh cháu thì bắt đầu mâu thuẫn với ông bà”.

Tôi hiểu! Tôi cũng đã từng cãi nhau với ông bà về việc chăm cháu. Về quê, ngày Xu Sim còn bé, tôi nghe nhiều người trong làng đồn là tôi nuôi con sách vở lý thuyết. Tôi biết ai là người nói ra thông tin đó, hic hic. Bị nói xấu bởi 1 người dưng ganh ghét thì ko buồn bằng bị nói xấu bởi chính bố mẹ mình.

Bố tôi có lần còn mắng: Mày dạy con hay mày đang chửi bố mày đấy? Và khi Xu Sim về chơi với ông nội 1 tuần thì đã thích uống bia, và tự hào rằng con có thể uống được nửa cốc bia.

Trong buổi tọa đàm hôm qua, TS Khánh Trung nói là ông bà cha mẹ Pháp có nguyên tắc không thể hiện mâu thuẫn nhau trước mặt con. Ở Nhật, họ đã coi việc người lớn mâu thuẫn, bạo hành nhau có nghĩa là bạo hành trẻ con.

Nhưng ông bà thì chả thèm nghe Pháp hay Nhật đâu! Tôi đã nhìn thấy nhiều cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu khá là gay gắt và khốc liệt xung quanh đứa cháu. Và khi đã phải nói tới thắng thua, thì dù kết quả thế nào thì người chịu hậu quả lớn nhất vẫn là bé con.

Tại sao ngày xưa ông bà khắc nghiệt với mình bao nhiêu thì giờ lại nuông chiều làm hư cháu bấy nhiêu? Tôi nghĩ, chẳng bố mẹ nào không yêu con cả, bố mẹ ngày xưa cũng y như bố mẹ bây giờ. Nhưng hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, đói khổ, đẻ dày, xưa bố mẹ không yêu chiều con cái được như bố mẹ muốn. Để con cái vất vả nheo nhóc, là nỗi tổn thương, ân hận của bố mẹ. Và ngày xưa đó, bố mẹ càng xót xa thương con, thì bây giờ lên ông lên bà, càng tìm cách chiều chuộng cháu.

Bạn sẽ thấy cái gốc của mọi sự nuông chiều, thậm chí thái quá đó, đều là tình thương, lẽ ra là cho bạn ngày xưa, giờ bù sớt qua cháu. Và, tình thương thì không có lỗi, chỉ cần chỉnh nồng độ của nó để đừng hại tới việc rèn kỷ luật cho con thôi.

1, Độc lập là tự do!
Khi mình càng ít phụ thuộc vào ông bà thì mình càng ít bị ông bà chi phối. Con ở bên ai càng nhiều thì con càng bị ảnh hưởng. Bạn muốn con khác ông bà, thì bạn hãy giành thời gian cho nó. Bạn tôi, lấy chồng con một, vẫn quyết định thuê nhà riêng gần cạnh để được tự lập và tự do, dù mấy năm đầu ông bà phản đối ghê lắm.
Nếu bạn vẫn nhờ ông bà trông con, đón con, nấu cơm, đi chợ, con vẫn ở với ông bà như 1 bảo mẫu, rồi lại đòi hỏi được tự do trong mọi quyết định thì hơi khó à nha! Ở đời, được cái lọ thì mất cái chai ạ!

Nhiều người inbox kể bệnh ông bà quá trời, tôi nói “Dành thời gian cho con đi”, thì “Nhưng em bận lắm!”. Quả này tôi chịu thua.

2, Hãy mặc áo giáp cho trái tim mình.
Chửi là quyền tự do ngôn luận của ông bà, còn đau đớn hay không là quyền của mình!

Tôi đã nhìn thấy 1 đứa bạn nghe điện thoại của mẹ chồng, chuyên chỉ đạo từ xa mỗi ngày, từ việc ăn cái gì tới uống cái gì, cái gì cần phải để đâu… Nó để ống nghe khá xa tai, tay cần cây viết, vẽ vẽ trên giấy, thỉnh thoảng “dạ dạ”, “vâng ạ”, nhưng tai nó đóng lại nãy giờ rồi. Có đứa thì cứ thấy số điện thoại của ông bà, biết chuẩn bị nghe chửi, là mở game lên vừa nghe vừa chơi luôn tay, có đứa lấy tinh dầu ra ngửi ngửi cho thư giãn…

Bởi vì, cãi nhau chỉ tổn thương mà chả giải quyết được điều gì. Não người già khó thay đổi. Cứ theo Nguyên tắc chung: Con ai thì người đó dạy. Mình có trách nhiệm dạy con mình, và ông bà thì có quyền dạy mình. Và ông bà còn đẻ ra bạn, bạn không thể dạy ông bà được đâu.

3, Chấp nhận cũng là sức mạnh!
Tôi nghĩ, ông bà cách mình 30 – 40 – 50 tuổi, ông bà khác mình là tất nhiên. Ông bà “lạc hậu” hơn mình là bình thường.
Khoảng cách thế hệ là vấn đề ở khắp các quốc gia, bạn yên tâm là mình không bất hạnh một mình đâu ạ. Ông bà nào tiến bộ, nuôi cháu khoa học, mới gọi là bất thường nhé (FB của tôi có rất nhiều ông bà “bất thường”, nể lắm và yêu lắm).

Khi nghe ngóng thấy có thể sẽ mâu thuẫn với ông bà, tôi chỉ né! Nếu cần dạy Xu Sim những điều ko trùng ý ông bà, tôi kéo con vào phòng riêng “xử kín”, hoặc ra công viên, khuất mắt ông bà!

4, Style nửa ly nước đầy:
Thì trong cái gì cũng có được có mất, đừng có căng thẳng quá, các mẹ ạ. Ông bà tuy chiều cháu, nhưng lại có điều quý giá nhất: tình thương! Trẻ con đứa nào cũng rất cần 1 bến đỗ, một cái “van xả”, để trở về, để nhõng nhẽo, mềm yếu, lười biếng, để xả những stress ngoài kia.
Bạn sẽ vẫn luôn là người ảnh hưởng mạnh nhất tới con, trừ khi bạn từ chối cái quyền đó. Thời gian của ông bà trên cõi trần này không dài bằng thời gian ba mẹ và con cái bên cạnh nhau, nên có gì sai thì sửa vẫn còn kịp.

Trong chùa cũng có ông Thiện ông Ác, trong nhà cũng nên có người nghiêm khắc, người dễ dãi, cho con cái nó thở với chứ! Nhiều nhà, vì biết ông bà chiều cháu nên ba mẹ tự động sắm vai ác, hic hic. Thôi cũng chả sao đâu, trẻ con nó thính lắm, nó biết là ai cũng yêu nó hết ấy mà.

Và chính sự chấp nhận khác biệt của ông bà cũng giúp trẻ quen với xã hội, rằng khác biệt là nhân quyền. Ngay cả cách ba mẹ đối diện với những áp đặt của ông bà để giữ gìn sự độc lập của mình, cũng là bài học cho con khi ngày sau ra đời lỡ có bị ai đó khống chế. Và sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, cách ba mẹ cư xử với ông bà, tụi nhóc sẽ copy lại y chang, để cư xử với bạn!

Và chúng ta vẫn có thể nói từ “Không” một cách ngọt ngào và bình tĩnh cơ mà! Chúng ta vẫn có thể giữ ý kiến của mình và ko làm ông bà đổ vỡ.
Chỉ đơn giản là “Dạ, Không ạ!”, đâu nhất thiết phải một mất một còn đâu!

Nguồn: Facebook Thu Ha (Nhà báo, tác giả sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”).