Tôi được một người bạn tặng cuốn sách này và cũng đã đọc xong nó từ lâu rồi nhưng bởi vì tôi vốn là một đứa con gái lười đột xuất, chăm chỉ bất thình lình và đọc sách viết lách vô cùng tùy hứng nên đến tận bây giờ mới review được.:)))
Anatoly Alecxin sinh ngày 3.8.1924 tại Moscva. Ông là một trong những nhà văn Nga chuyên viết về đề tài giáo dục thanh thiếu niên. Ông được coi là người sáng lập ra cái gọi là “Truyện vừa cho thiếu niên” và “Đứa con muộn màng” là một trong số những cuốn sách thuộc thể loại này. Cuốn sách này nằm trong Tủ sách văn học Nga 50 tập do nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tuyển chọn và giới thiệu đến độc giả Việt Nam.
Nội dung cuốn sách kể về cậu con “mọn” Lenka-đứa trẻ được cả bố mẹ và chị gái “đợi” suốt 16 năm. Chính vì vậy, khi cậu ra đời tất cả mọi người đều thể hiện một tình yêu, sự quan tâm thái quá khiến cậu cảm thấy khá mệt mỏi, muốn bỏ chạy đến tận cùng thế giới, nếu như không còn tìm được chỗ nào xa hơn nữa.
Ngoài sự bao bọc quá mức, Lenka còn có một người chị quá xuất sắc khiến cậu cảm thấy khá áp lực. Nhưng không vì thế mà cậu bé Lenka trở nên hư hỏng hay có những hành động tiêu cực phản kháng lại người thân.
Hiểu được tình cảm của mọi người dành cho mình, đứa con “mọn” ấy luôn cố gắng trở thành một người trưởng thành với những suy nghĩ, hành động rất đàn ông, rất người lớn để chăm lo cho bố mẹ và giúp chị gái tìm được tình yêu của đời mình.
Với mỗi câu chuyện trong “Đứa con muộn màng”, thông qua nhiều tình huống khác nhau và cách ứng xử của các nhân vật đều nói lên tình yêu thương có phần thái quá và vô tình khiến người được yêu thương cảm thấy tù túng, gò bó hơn là hạnh phúc.
Viết về đề tài thiếu nhi với giọng văn hài hước, mang hơi thở hồn nhiên yêu đời, nhưng không vì thế mà “Đứa con muộn màng” thiếu đi những nút thắt, mất đi tính ly kỳ và đa cảm, sự sâu sắc trong những xung đột, đấu tranh của các em thiếu nhi và các cô cậu thiếu niên với thế giới người lớn.
Cuốn sách giống như cầu nối để cha mẹ thấu hiểu những người trẻ tuổi mới lớn trong một xã hội dường như quá bận rộn tới mức những người trẻ tuy được chu cấp đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn cơ hội chia sẻ với chính cha mẹ mình, hoặc bị bao bọc đến mức không thể thoải mái phát triển theo những mộng ước của bản thân. Yêu thương không hề là sai nhưng tình yêu thương cũng cần có lý trí.