Đời nhẹ khôn kham – Tiểu thuyết được cho là hay nhất của Milan Kundera

Review Đời nhẹ khôn kham - Vikwi

Đời nhẹ khôn kham” là tiểu thuyết của nhà văn Milan Kundera viết năm 1982 và xuất bản lần đầu tiên năm 1984 tại Pháp. Mới đây, cuốn sách đã được xuất bản tiếng Việt do Trịnh Y Thư dịch, dưới đây là một vài đoạn trích dẫn từ cuốn sách này.

“Nhưng đó có thật là tình yêu không? Cảm giác muốn chết bên cạnh cô gái rõ ràng được cường điệu: trước đó anh gặp cô lần duy nhất! Hay đây chỉ là cơn điên loạn của người đàn ông biết rõ tâm trạng mình không thể yêu được nhưng lại bị nhu cầu muốn ngụy tạo nó thôi thúc? Vô thức của anh hèn nhát đến độ nó chọn lựa cô gái đáng thương ở cái tỉnh lị nhỏ bé đó cho vai trò chung đóng trong vở hài kịch cỏn con, một cô gái không bao giờ anh có thể tưởng tượng có ngày bước vào cuộc đời anh!

Phóng tầm mắt qua khoảng sân rộng, nhìn vào bức tường dơ bẩn trước mặt, anh không phân biệt được đây là tình yêu hay chỉ là cơn điên loạn.”

“Câu phương ngôn Đức nói cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ xảy ra. Chúng ta sống chỉ một lần, tốt hơn đừng bao giờ sống.”

“Thế là chỉ sau thời gian ngắn ngủi Tomas thoát ra khỏi mọi ràng buộc của vợ, con, cha, mẹ. Điều duy nhất họ để lại anh là nỗi sợ hãi đàn bà. Tomas ham muốn đàn bà nhưng anh sợ hãi họ. Để dung hợp sự sợ hãi và lòng ham muốn, anh tự tạo cho mình thứ liên hệ với đàn bà anh gọi là “tình bạn xác thịt.” Anh nói với các cô nhân tình: “Liên hệ duy nhất có thể đem hạnh phúc đến cho hai chúng ta là liên hệ trong đó tình cảm không có chỗ đứng và không ai có quyền xen lấn vào đời sống cũng như tự do của người kia.”

“Tomas đi đến kết luận: làm tình với đàn bà và ngủ với đàn bà là hai đam mê hoàn toàn khác biệt, không phải chỉ khác biệt thôi mà còn trái ngược nhau nữa. Tình yêu không phải là lòng ham muốn được làm tình (lòng ham muốn dẫn đến nhiều đàn bà) mà là nỗi đam mê được ngủ chung (lòng ham muốn thu hẹp lại còn một người đàn bà.)”

”Yêu người nào vì lòng trắc ẩn nghĩa là không thật sự yêu…. Bởi không có gì trên quả đất này có thể nặng hơn lòng trắc ẩn. Ngay nỗi đau của chính mình cũng không đè bẹp mình xuống như nỗi đau mình gánh vác chịu đựng giùm người khác, vì nỗi đau này bay bổng theo thần trí tưởng tượng và kéo dài ra bởi hàng trăm tiếng dội vọng về…

Nhưng anh còn bị lòng trắc ẩn này tra tấn bao lâu nữa? Suốt cuộc đời anh? Một năm? Hay một tháng? Hay chỉ một tuần?

Làm sao anh biết được? Làm sao anh đo lường được?

Bất cứ cô cậu học sinh nào cũng có thể làm thí nghiệm vật lí để trắc nghiệm những giả thuyết khoa học. Nhưng con người, sống chỉ một lần, không thể làm thí nghiệm để biết nên chạy theo tiếng gọi của đam mê (hay lòng trắc ẩn) hay không.”

“Có thật Tomas không sao từ bỏ được lối sống “tình bạn xác thịt” đó không? Đúng vậy. Không có nó chắc anh vỡ tung ra mất. Anh không đủ sức mạnh đè nén lòng ham muốn. Mặt khác, anh thấy không cần thiết phải từ bỏ lối sống đó. Không ai biết rõ hơn chính anh những trò phiêu lưu tình ái chỉ làm Tereza bất an mà thôi. Vậy tại sao anh phải thay đổi? Với anh, lí do từ bỏ chuyện đi tìm thú vui nhục dục nơi những người đàn bà khác không trọng đại hơn lí do từ chối lời mời đi xem trận bóng đá là bao.”

“Thuở xưa, con người lạ lẫm lắng nghe tiếng đập đều đặn phát ra từ lồng ngực, thắc mắc không hiểu đó là tiếng gì. Hắn không có khả năng nhận ra chính bản thân mình với thể xác quá lạ lùng, xa lạ. Thể xác là cái cũi, và trong cái cũi đó là vật gì biết ngắm nhìn, lắng nghe, sợ hãi, nghĩ suy, kinh ngạc; cái gì đó, cái phần còn lại ngoài thể xác, chính là tâm hồn.

Ngày nay, dĩ nhiên, thể xác không còn xa lạ nữa: chúng ta thừa biết tiếng đập phát ra từ lồng ngực là do quả tim và mũi chúng ta chẳng qua chỉ là cái ống hút thò ra từ thể xác có nhiệm vụ hút khí ốc-xy vào hai lá phổi. Bộ mặt chúng ta chỉ là nơi ghi tiếp mọi năng động của thể xác: tiêu hoá, hô hấp, nghe nhìn, suy nghĩ.

Kể từ khi con người tìm tòi, khám phá và đặt tên cho các bộ phận trên thân thể mình, thân thể bớt phiền nhiễu con người nhiều lắm. Con người biết tâm hồn chẳng qua chỉ là chất xám trong não bộ. Sự đối chọi giữa tâm hồn và thể xác bị che phủ bởi hàng trăm danh từ khoa học và chúng ta cả cười, cho đó là thành kiến đã phai nhạt rất nhiều.

Nhưng thử bắt người mới yêu lắng nghe tiếng bụng mình sôi sùng sục, nghe tiếng hoà hợp giữa tâm hồn và thể xác mình. Lập tức cái ảo ảnh trữ tình của kỉ nguyên khoa học tan biến ngay vào hư không.”

“Nhưng có phải càng nhiều ngẫu nhiên bao nhiêu biến cố càng trọng đại, càng đáng nói bấy nhiêu?

Sự tình cờ và chỉ có sự tình cờ mới ưu ái gửi đến chúng ta những thông điệp. Việc xảy ra do nhu cầu, được tiên liệu trước, tái diễn ngày này qua ngày nọ, có khác chi món vật ù lì, câm nín. Chỉ có sự tình cờ mới có khả năng kể lể, chuyên chở thông điệp đến chúng ta.

Trong đời sống thường nhật, chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu chuyện tình cờ dun rủi, hay nói đúng hơn, không biết bao nhiêu lần gặp gỡ bất ngờ mà chúng ta gọi là tao ngộ. Tao ngộ là hai biến cố xảy ra cùng lúc mà không hề được tính toán, dự trù trước. “

“Bất cứ ai có ý định muốn vươn lên tới “cái gì cao hơn” đều phải tiên liệu ngày nào đó sẽ mắc phải căn bệnh sợ hãi độ cao. Bệnh sợ hãi độ cao là gì? Là nỗi sợ hãi khi đứng trên cao? Nhưng tại sao chúng ta vẫn thấy sợ hãi dù trên đài quan sát chúng ta đang đứng có tay cầm chắc chắn? Không, bệnh sợ hãi độ cao là cái gì khác với tính sợ hãi khoảng cao. Nó là tiếng kêu của khoảng không trống trải bên dưới. Nó dụ dỗ, đánh lừa chúng ta. Chính ý định muốn nhảy từ trên cao xuống khiến chúng ta sợ hãi và vì thế chúng ta cố sức loay hoay tìm cách tự vệ.”

“Với Tereza, cái máy ảnh vừa là con mắt bằng máy qua đó cô quan sát người tình của Tomas, vừa là cái màn che giấu khuôn mặt cô.

Người nữ phóng viên nhiếp ảnh nói. “Tôi đoán cô chưa hề đặt chân đến bãi biển khoả thân nào.”

“Chưa bao giờ.” Tereza trả lời.

Người chủ bút mỉm cười: “Cô thấy không, thật dễ đoán cô là người xứ nào. Các quốc gia Cộng sản thường khắc khổ, nghiêm ngặt quá đáng.”

“Chẳng có gì sai quấy, bậy bạ về một thân hình không che đậy.” Người đàn bà nói giọng bao dung. “Đó là cái gì bình thường. Và cái gì bình thường đều đẹp đẽ.”

“Thoát khỏi thế giới trong đó mọi thân xác bình đẳng và giống hệt như nhau. Cô đến với anh mong mỏi trở thành thân xác độc nhất, có một không hai trên cõi đời này và không sao thay thế. Nhưng chính anh đã vẽ dấu bằng giữa cô và những người đàn bà khác: anh hôn mọi người đàn bà như nhau, anh vuốt ve họ như nhau, anh tuyệt đối không thấy khác biệt giữa thân xác cô và những thân xác khác. Anh đẩy cô tụt về thế giới cô cố sức thoát li, anh đẩy cô bước ra trần truồng diễn hành với những người đàn bà trần truồng khác.”

“Tôi chỉ có thể giải thích, với Franz, tình yêu không phải là phần nối dài đời sống xã hội, mà cái gì hoàn toàn tương phản. Có nghĩa tình yêu là lòng mong muốn được quy phục dưới gót chân người tình. Kẻ quy hàng làm tù binh phải nộp luôn vũ khí. Và vì bị tước đoạt mất khả năng tự vệ dùng chống trả cú đánh phủ đầu, hắn không tránh được mối lo sợ thường xuyên không biết lúc nào cú đánh đổ ụp xuống. Đó là lí do tại sao tôi dám đoan chắc, với Franz, tình yêu đồng nghĩa với sự chờ đợi cú đánh chí tử từ trên đổ xuống đó.“

“Anh biến thành gã đàn ông bò từ giường người đàn bà này sang giường người đàn bà khác trong khoảng thời gian vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Anh thấy điều đó xúc phạm cả vợ lẫn tình nhân, cuối cùng cả anh nữa….. chiếc giường hai người nằm chung vẫn là biểu tượng của ràng buộc trong hôn nhân và như chúng ta biết, cái gì là biểu tượng rồi đều trở nên bất khả xâm phạm.”

“Nhưng chúng ta hãy trở lại với cái mũ dạ tròn:

Thứ nhất, cái mũ mơ hồ nhắc nhở về tổ phụ Sabina, viên thị trưởng cái thị trấn Bohemia nhỏ bé vào thế kỉ mười chín.

Thứ hai, cái mũ là kỉ vật của cha Sabina để lại. Sau đám tang cha, người anh trai tìm cách chiếm đoạt hết của cải cha mẹ để lại, và cô, với vẻ khinh bỉ ra mặt, không thèm tranh chấp đòi hỏi thứ gì, còn tuyên bố cách nhạo báng là gia tài cha mẹ để lại, cô chỉ lấy cái mũ dạ tròn.

Thứ ba, nó là món vật cô dùng trong những trò chơi tình ái với Tomas.

Thứ tư, nó là biểu tượng cái gì rất riêng tư cô cố tình xây đắp bấy lâu nay. Khi lìa bỏ quê hương, cô chỉ được quyền đem theo rất ít đồ đạc vật dụng tùy thân, và cô ôm theo cái mũ kềnh càng, hết sức vô dụng này có nghĩa cô phải bỏ lại những thứ khác thực dụng hơn.

Thứ năm, giờ đây cô sinh sống ở nước ngoài, cái mũ trở thành món vật chứa đựng ý nghĩa tình cảm. Hôm xuống Zurich thăm Tomas, cô đem nó theo và đội trên đầu lúc cô chờ đón Tomas tại ngưỡng cửa căn phòng khách sạn.

Nhưng rồi điều cô không hề trù liệu xảy ra: cái mũ không đượm vẻ thản nhiên, vô hại hay mời mọc, khiêu khích nữa, nó trở thành món vật kỉ niệm của thời quá khứ. Cả hai người đều bị xúc động. Họ làm tình với nhau như lần đầu tiên nằm chung giường. Đây không phải là lúc cho những trò chơi dâm dật, bởi lần gặp gỡ này không phải là sự nối tiếp những buổi hẹn hò tình ái của hai người mà mỗi lần gặp gỡ là một cơ hội nghĩ ra trò chơi hư đốn nho nhỏ nào đó. Lần gặp gỡ này là tiếng gọi nhớ thời gian, là bản thánh ca về thời quá khứ hai người, là cái gì rất tình cảm tóm lược câu chuyện không tình cảm và đã tan biến ở khoảng cách xa xôi lắm.”

“Bội phản. Từ tuổi bé thơ non nớt, chúng ta được cha ông và thầy cô dậy dỗ lên án bội phản là hành vi xúc phạm tàn bạo nhất. Nhưng bội phản là gì? Bội phản là phá vỡ mọi nề nếp và đi về nơi vô định. Với Sabina, không gì tuyệt vời hơn nếu cứ cất bước đi mãi về nơi vô định….Vì B. chúng ta bội phản A. rồi lại bội phản B. Điều này không có nghĩa chúng ta sẽ làm lành xoa dịu A. Cuộc sống một hoạ sĩ li dị chồng không hề giống cuộc sống cha mẹ cô mà cô đã bội phản. Sự bội phản lần thứ nhất không thể hàn gắn. Nó tiên khởi cho chuỗi phản ứng những bội phản khác về sau, và mỗi lần dẫn chúng ta đi xa thêm, ra khỏi cứ điểm lần bội phản ban đầu…”

“Với Sabina, sống trong sự thật, dù là thành thật với chính mình hay với người khác, chỉ khả hữu ở ngoài tầm kiểm soát của tập thể: giây phút có ai ghé mắt vào quan sát những việc ta làm, tự động ta mở hết ra cho con mắt đó, và việc làm chẳng còn gì thực tâm nữa. Có một tập thể, lúc nào cũng canh cánh trong đầu cái tập thể, có nghĩa là sống trong trá ngụy. Sabina ghét cay ghét đắng loại văn chương trong đó con người cho đi mọi bí mật thầm kín của riêng mình và của bằng hữu mình. Người mất riêng tư là người mất tất cả, Sabina nghĩ vậy. Và kẻ nào tự ý cho đi những điều riêng tư, kẻ đó là con quái vật. Đó là lí do tại sao Sabina không chút khổ tâm khi phải giữ kín mối tình trong vòng bí mật. Trái lại là đằng khác, chỉ có cách đó cô mới có thể sống trong sự thật.”

“Khi cần diễn tả hoàn cảnh bi thiết trong đời sống, chúng ta thường hay vay mượn ẩn dụ ví von những gì nặng nề. Chúng ta nói đời sống bị những hệ lụy to lớn nhận chìm. Chúng ta hoặc gánh vác cái hệ lụy đó lên vai hoặc thất bại và ngã quỵ, chúng ta vùng vẫy chống trả, có thể thắng nhưng cũng có thể thua. Còn Sabina – cái gì nhận chìm cô xuống? Không gì cả! Cô bỏ người đàn ông ra đi chỉ vì cô thích làm vậy. Người đàn ông có lên án cô không? Anh ta có tìm cách trả thù cô không? Không. Bi kịch của cô không phải là bi kịch về những điều nặng nề mà là bi kịch những điều vô trọng lượng, những điều nhẹ như tơ. Rơi xuống đời cô không phải là hệ lụy mà là cái khinh phù khôn kham của nhân sinh.

Cho đến thời điểm đó, lòng bội phản khiến tim cô ngập tràn nỗi khích động và niềm vui, bởi nó mở ra những con đường mới dẫn đến những cuộc phiêu lưu bội phản mới. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu cô đặt chân đến cuối chặng đường? Người ta có thể bội phản cha mẹ, chồng con, quê hương, tình yêu nhưng khi cha mẹ, chồng con, quê hương, tình yêu mất hết thì còn lại gì cho chúng ta tiếp tục bội phản?

Sabina thấy nỗi hoang vắng ghê gớm tràn ngập chung quanh cô. Phải chăng sự hoang vắng đó chính là mục tiêu những trò bội phản?”

“Với Sabina, sống là nhìn thấy. Nhưng thị giác bị giới hạn do hai rào cản: ánh sáng rực rỡ làm mù loà, và bóng tối đen kịt. Có lẽ đó là lí do khiến Sabina ghê sợ tất cả mọi cực đoan chủ nghĩa. Cực đoan là biên giới không có sự sống phía bên kia, và đam mê cực đoan chủ nghĩa, trong nghệ thuật cũng như trong chính trị, là trùm khăn lại rồi mong chờ cái chết.

Với Franz, từ ngữ “ánh sáng” không gợi hình ảnh một cảnh thổ phơi bày dưới ánh sáng dịu nhẹ của ngày; nó gợi cho thấy chính nguồn ánh sáng: mặt trời, bóng đèn điện, đèn chiếu. Liên tưởng của Franz là những ẩn dụ quen thuộc: ánh mặt trời của lòng công minh chính trực, ngọn lửa chói sáng của trí tuệ, vân vân.

Bóng tối cũng quyến rũ anh nhiều như ánh sáng. Anh biết ở thời đại này tắt đèn trước khi làm tình là hành động tức cười, vì thế anh luôn luôn mở ngọn đèn nhỏ đầu giường. Tuy vậy, lúc đi vào Sabina, anh lại nhắm nghiền hai mắt. Khoái cảm tràn trề trong cơ thể anh kêu gọi bóng tối. Bóng tối tinh ròng, toàn vẹn, không ý tưởng, không hình tượng; bóng tối đó không có tận cùng, không có biên cương; bóng tối đó là cái vô tận mỗi chúng ta đều mang nó trong người. (Vâng, nếu bạn đang đi tìm kiếm vô tận, bạn chỉ việc nhắm hai mắt lại!)

Và ngay lúc khoái cảm lan tràn khắp châu thân, Franz tan biến vào cõi vô tận của bóng tối anh, chính anh trở nên vô tận. Nhưng con người anh càng tăng trưởng trong cái bóng tối bên trong bao nhiêu, phần bên ngoài anh càng thu nhỏ bấy nhiêu. Người đàn ông mắt nhắm là người đàn ông phế thải. Sabina chán ngán vô cùng khi thấy anh nhắm mắt như vậy, và để khỏi phải nhìn vào mặt anh, cô cũng nhắm hai mắt lại. Nhưng với cô, bóng tối không có nghĩa vô tận; nó đồng nghĩa với sự bất tán thành cái gì cô trông thấy, phủ định cái trước mắt, chối bỏ cái không muốn nhìn.”

“Nhưng sâu kín bên trong cô nói với chính mình, Franz có thể khỏe mạnh, nhưng sức mạnh đó của anh chĩa thẳng ra bên ngoài, còn với những người anh sống chung, những người anh yêu quý, anh yếu đuối lắm. Sự yếu đuối của Franz có tên gọi khác là lòng lương hảo. Franz không bao giờ mở miệng ra lệnh bắt Sabina phải làm điều này điều nọ. Anh không bao giờ buông mệnh lệnh, như Tomas từng làm, bắt cô đặt tấm gương soi dưới sàn nhà rồi bước qua bước lại trên đó, trần truồng. Không phải vì anh không có khoái cảm nhục dục; chỉ vì anh không đủ sức mạnh ra lệnh cho ai. Có những sự việc chỉ thực hiện được qua bạo hành. Không có bạo hành quả khó có tình yêu xác thịt.

Sabina nhìn Franz đi qua đi lại trong phòng với chiếc ghế nhấc bổng khỏi đỉnh đầu; cô thấy cảnh tượng kì khôi nhưng nó làm cô vương vấn nỗi buồn lạ lùng khó tả.

Franz đặt ghế đối diện Sabina đoạn ngồi xuống. Anh bảo cô, “Dĩ nhiên anh tự hào về sức mạnh của mình, nhưng ở Geneva anh biết làm gì với những bắp thịt này? Nó như món vật trang trí mà thôi, như chòm lông đuôi của con công. Trong đời anh chưa bao giờ đánh nhau với ai.”

Sabina tiếp tục mơ màng: Nếu cô có người đàn ông đầy uy quyền đời cô sẽ ra sao? Người đàn ông muốn làm chủ đời cô? Cô sẽ chịu cảnh sống đó được bao lâu? Không đầy năm phút! Từ đó cô suy ra sự kiện là không người đàn ông nào trên cõi đời này thích hợp cho cô. Mạnh hay yếu.

“Tại sao anh không bao giờ dùng sức mạnh với em?” Cô hỏi Franz.

“Bởi vì yêu là khước từ sức mạnh.” Franz nói nhẹ.

Sabina nhận thức ra hai điều: thứ nhất, câu nói của Franz thật cao thượng và chính đáng; thứ hai, câu nói loại anh khỏi đời sống tình cảm của cô.”

“Sabina không hiểu tại sao người chết muốn có những toà lâu đài giả tạo xây trên họ. Nghĩa trang là cõi hư vô hoá kiếp trở thành đống đá vụn. Thay vì trở nên có ý nghĩa hơn khi về bên kia thế giới, những cư dân của nghĩa trang trở nên xuẩn ngốc vớ vẩn hơn so với lúc còn sống. Đài kỉ niệm của họ dùng làm nơi phô trương lúc còn sống họ quan trọng tới mức nào. Nơi đây không thấy cha, anh, con, bà được chôn cất, chỉ có những nhân vật của công chúng, những chức sắc tên tuổi, bằng cấp, danh dự; ngay người thư kí bưu điện cũng dương danh nghề nghiệp mình, sự quan trọng trong xã hội – phẩm giá mình.

Ở Paris mộ người chết sâu hơn cũng như các toà nhà cao tầng cao hơn. Mắt cô đập vào tấm mộ bia nằm bên cạnh. Cô lạnh run người, và cô vội vã bỏ ra về.

Suốt buổi cô nghĩ ngợi về tấm mộ bia. Tại sao cô khiếp hãi nó đến thế?

Cô tự tìm câu trả lời cho mình: Mộ bia dùng chặn người chết, không cho họ chui ra khỏi mộ.

Nhưng đằng nào người chết cũng không chui ra khỏi mộ! Có gì khác biệt đâu nếu người chết được phủ bằng đất hay đá?

Nó khác nhau ở chỗ nếu dùng tảng đá đậy úp nấm mộ lại, điều đó có nghĩa chúng ta không muốn thấy người chết trở về. Tảng đá nặng nề bảo người chết: “Này, bạn cứ việc ở đấy nhé.”

“Diễn viên là người ngay từ tuổi ấu thơ đã tự nguyện suốt cuộc đời đem chính bản thân ra phô diễn cho công chúng xem. Nếu không có lòng tự nguyện cơ bản đó, không ai có thể trở thành diễn viên. Lòng tự nguyện không dính dáng gì đến bẩm chất thiên tư, trong con người nó nằm ở tầng sâu hơn tầng bẩm chất.”

“Từ những dòng chữ đầu của Sáng Thế Kí, chúng ta biết Thượng đế thụ tạo con người để trao con người quyền bá chủ loài cá, chim muông và tất cả loài khác. Dĩ nhiên, Sáng thế kí do người chứ không phải ngựa viết ra. Không có gì bảo đảm Thượng đế thật sự ban cho con người quyền làm bá chủ các loài khác. Thật ra, có lẽ đúng hơn, con người phát minh ra Thượng đế để thánh hoá quyền bá chủ hắn tự tiếm đoạt trên con bò con ngựa. Vâng, quyền được phép giết chết con nai hay con bò là cái gì duy nhất loài người có thể tán đồng, ngay cả giữa thời kì chiến tranh khốc liệt đẫm máu nhất.”

“Đơn điệu nảy sinh hạnh phúc, không phải nỗi buồn tẻ chán chường… Vâng, hạnh phúc là khao khát sự lặp lại, Tereza nhủ thầm.”

“Thật vô li nếu người viết cố gắng thuyết phục người đọc những nhân vật trong tiểu thuyết mình có thật ngoài đời. Họ không từ bụng mẹ chui ra. Họ nảy sinh từ đôi ba nhóm chữ có vẻ gây khích động hay từ cảnh huống cơ bản nào đó.”

“Ta rất dễ biến thành nạn nhân của chính thân thể mình nếu ta lãng quên nó.”

“Tai người ta sắp bị điếc hết vì tiếng nhạc càng ngày càng lớn. Nhưng vì người ta điếc nên tiếng nhạc càng phải lớn hơn….

“Em không thích âm nhạc à?” Franz hỏi lại.

“Không.” Rồi cô nói thêm, “dù là âm nhạc ở thời đại khác . . .” Cô đang nghĩ đến thời đại của Johann Sebastian Bach, khi âm nhạc như đoá hoa hồng nở trên cánh đồng của lặng im, bao la và phủ đầy tuyết trắng.

Tiếng động ồn ào giả làm âm nhạc theo đuổi cô từ ngày thơ ấu…. Tiếng nhạc như bầy chó săn ùa đến cắn xé cô…. Âm nhạc là phủ định những câu văn, là phản đề của chữ nghĩa!”

….

“Người nghèo phải đứng, trong khi người giàu có ghế ngồi,” Sabina nói trong lúc đưa tay chỉ mấy dãy ghế dựa. “Nhưng có điểm chung buộc gã ăn mày vào ông chủ nhà băng: đó là lòng ghét bỏ cái đẹp.”

“Đẹp là gì?”

Nguồn: ST