Bạn học vì cái gì?

learning never ends - continuous education concept - isolated text in letterpress wood type

learning never ends - continuous education concept - isolated text in letterpress wood type

Phần lớn sinh viên châu Á bao giờ cũng quan tâm tới điểm số. Khi dạy ở Á châu tôi thường nghe sinh viên hỏi lẫn nhau: “Bạn được mấy điểm?” Một sinh viên trả lời: “Tôi được 8 trên 10. Tôi đoán tôi đã làm tốt trong bài thi.” Sinh viên khác phàn nàn: “Tôi chỉ được 5 trên 10; bài thi khó hơn tôi tưởng.”

Đối thoại giữa các sinh viên là về điểm số, vì tôi chưa bao giờ nghe sinh viên hỏi, “Bạn đã học được gì?” Đây là một điều cần thay đổi vì việc cho điểm khuyến khích sinh viên chỉ chú trọng vào “điểm” nhưng không vào “học”. Thay vì học thật sâu để phát triển kiến thức về môn học, một số sinh viên chỉ học đủ để có được điểm đỗ. Việc cho điểm cao, thấp, tốt, xấu, nhiều hay ít cũng tạo ra nỗi sợ thi và sợ trượt trong các sinh viên.

Các thầy giáo Á châu không mấy khi cho điểm hoàn hảo. Khi dạy học tại đây, một thầy giáo giải thích: “Thầy không nên cho điểm 9 hay 10 vì sinh viên nghĩ lớp thầy là dễ. Thầy nên giới hạn số sinh viên được điểm 9 hay 10 bằng việc để một câu hỏi thật khó, không mấy ai có thể trả lời.” Quan niệm này đã tạo ra những ganh đua không cần thiết vì sinh viên sẽ cạnh tranh với nhau để được điểm tốt hơn, cho nên điều đó đã loại bỏ việc làm việc trong nhóm, hay chia sẽ thông tin và giúp đỡ lẫn nhau.

Việc cho điểm là cung cấp “phản hồi” (feed back) để giúp sinh viên hiểu họ học và hiểu biết thế nào nhưng phần lớn “điểm số” chỉ phản ảnh sinh viên trả lời đúng hay sai. Cách tốt hơn là cho câu hỏi mà sinh viên phải viết ra sự hiểu biết của họ mà giáo sư có thể theo dõi và cho những câu bình luận ngắn. Tuy nhiên, phần lớn thầy giáo đều bảo tôi rằng họ không có thời gian cho bình luận. Một thầy giáo nói: “Thầy nghĩ sẽ mất bao lâu để viết bình luận cho 40 sinh viên? Sinh viên không đọc lời bình luận mà chỉ nhìn vào điểm.”

Tuy nhiên đây là cách tôi dạy và dùng bài kiểm tra để theo dõi việc học của sinh viên. Trong lớp tôi, sinh viên phải đọc các bình luận để biết tôi muốn gì, vì họ phải học từ sai lầm để sửa vì tôi thường hỏi cùng câu hỏi ở bài kiểm tra tiếp. Với bài kiểm tra, tôi thường chọn một câu hỏi mà phần lớn sinh viên không làm được và đưa nó vào bài kiểm tra tiếp. Sinh viên phải đọc lời bình luận của tôi để họ tránh sai lầm hai lần. Mặc dù các bài thi đa chọn lựa (Multiple Choices) là rất phổ biến ở các đại học vì nó dễ dàng chấm điểm, nhưng quan niệm của tôi là nó khuyến khích việc ghi nhớ hay phỏng đoán thay vì thách thức sinh viên suy nghĩ sâu xa. Kiểu thi này cho phép sinh viên lựa chọn câu trả lời đúng hay sai thay vì viết ra câu trả lời dựa trên sự hiểu biết rõ ràng và sâu sắc.

Tháng trước trong lớp của tôi ở Trung Quốc, sinh viên hỏi: “Tại sao thầy luôn hỏi “Tại sao”(WHY) và “Làm sao” (HOW) thay vì “Cái gì” (WHAT) trong bài thi của thầy?” Tôi giải thích: “Các em biết “Cái gì” (WHAT) vì các em đã học và ghi nhớ câu trả lời. Tuy nhiên, các em phải biết “Tại sao” (WHY) hay lí do dùng nó; và “Làm sao” (HOW) vì các em phải áp dụng nó. Các em có thể ghi nhớ và đỗ kì thi nhưng nếu các em không biết “Tại sao” và “Làm sao” các em sẽ gặp khó khăn khi làm việc. Các em có thể có điểm hoàn hảo về bài thi, các em có thể tốt nghiệp với điểm hàng đầu nhưng khi các em đi phỏng vấn việc làm, công ty không quan tâm liệu các em có điểm tốt hay không. Họ chỉ muốn biết liệu các em có thể giải quyết được vấn đề của họ không. Nếu các em nhìn vào hầu hết các câu hỏi phỏng vấn, tất cả đều là “Tại sao” và “Làm sao” vì không ai hỏi các em về lí thuyết mà các em đã ghi nhớ để qua được kì thi.

Nhà trường dạy về “Cái gì” nhưng các em phải biết “Tại sao” và “Làm sao” và đây là “Học thực sự” hay “Học sâu” mà thầy muốn các em học. Việc ghi nhớ “cái gì” (WHAT) chỉ là bước đầu nhưng các em phải đi xa hơn để phát triển “kiến thức” do đó các em phải biết “Tại sao” (WHY) rồi từ kiến thức này các em phải biết cách áp dụng bằng việc biết “Làm sao” (HOW) và đó là nguyên tắc chính của phương pháp “Học qua Hành” (Learning by Doing).

Ngày nay sinh viên đại học phải biết thật rõ, thật sâu và đi từ “Cái gì” đến “Tại sao” và “Làm sao” hay từ lý thuyết (Cái gì) đến kiến thức hay sự hiểu biết (Tại sao) va kĩ năng áp dụng (Làm sao) và đó là lý do thầy muốn các em nắm thật vững quy tắc này.

Trong quá khứ, các công ty thuê người dựa trên bằng cấp và điểm số nhưng ngày nay, nó là về tri thức và kĩ năng. Các em phải học để thích ứng với nhu cầu của công nghiệp, về tư duy phê phán (Tại sao) và giải quyết vấn đề (Làm sao) Nếu các em muốn có được việc làm tốt và thăng tiến trong tương lai, các em cần học nhiều, đọc nhiều, học sâu, hiểu sâu và biết phát triển các kĩ năng để áp dụng thì các em sẽ đi rất xa trên con đường nghề nghiệp.
(Nguồn: facebook John Vu)